Nhiều tàu, thuyền bị sóng đánh chìm. Ảnh: TĐ
Ngày 15/11, Thượng tá Hoàng Minh Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Thừa Thiên Huế cho biết, tuy bão số 13 không trực tiếp đổ bộ vào đất liền tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng cũng đã gây ảnh hưởng đến khu vực biên giới biển của tỉnh. Nhiều tàu của ngư dân bị sóng đánh chìm, một số khu vực bờ biển bị xâm thực.
Thống kê ban đầu cho thấy, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 15 tàu, thuyền bị sóng đánh dạt lên bờ mắc cạn hoặc bị chìm.
Cụ thể, tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang có tàu TTH 99911TS của ông Nguyễn Cường (tàu đang neo đậu bị sóng đánh đè lên nhà bà Lê Thị Xuyên làm sập 2/3 nhà, không có thiệt hại về người), tàu TTH 99999 TS của ông Trần Văn Chiến (sóng đánh tàu dạt vào đập Hòa Duân), tàu TTH 92366 TS của ông Phạm Văn Cường, tàu TTH 92099TS của Trần Phi (bị chìm).
Chỉ tính riêng tại âu thuyền thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An có 9 tàu bị chìm, gồm: TTH 99865 của ông Mai Văn Đê, TTH93456TS của ông Mai Văn Rê, TTH94444 của ông Trần Văn Kiếng, TTH 92116TS của ông Nguyễn Bàu, TTH 91345TS của ông Nguyễn Bí, TTH 91345TS của ông Phan Lũy, TTH 99696TS của ông Lê Văn Bi, TTH 42429TS của ông Phạm Văn Chàng và ghe của ông Trần Cượng bị gãy đôi. Xã Phú Thuận, huyện Phú Vang có tàu TTH 92366 TS của ông Phạm Văn Cường bị đứt dây neo, sóng đánh dạt lên bờ.
Chính quyền địa phương, BĐBP đã gia cố, chống sạt lở nhưng sóng to, nước biển dâng cao nên một số khu vực biển bị nước biển xâm thực như xã Giang Hải, huyện Phú Lộc, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang. Hiện, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì 720 cán bộ, chiến sĩ với 46 phương tiện ô tô, tàu, xuồng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.