Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:27
RSS

Hàn Quốc: Nỗi ám ảnh với cái mác thiên tài

Thứ ba, 05/07/2022, 10:40 (GMT+7)

Từ năm 2001 - 2021, Hàn Quốc có tổng cộng 558 bài báo nghiên cứu được đăng trên các tạp chí học thuật là của học sinh trung học. Ngành giáo dục và xã hội đánh giá các học sinh này là thiên tài. Tuy nhiên, sau khi rời ghế phổ thông, 70% các thiên tài này không có thêm bất cứ bài đăng nào khác.


Phụ huynh thượng lưu Hàn Quốc sẵn sàng trả mọi giá để gắn cho con cái mác thiên tài.

Thiên tài “bốc hơi”

Cũng theo số liệu thống kê từ năm 2001 – 2021, tác giả học sinh của 558 bài nghiên cứu nói trên bao gồm 980 em (nhiều bài là đồng tác giả). Phần lớn nội dung của các bài thuộc mảng kỹ thuật máy tính và y học, 2 môn chưa được đưa vào giảng dạy trong giáo dục trung học.

Quy định tuyển sinh vào đại học của Hàn Quốc được sửa đổi vào năm 2001. Nó cho phép các học sinh trung học có bài đăng báo được cộng thêm điểm vào điểm thi. Theo Giáo sư kinh tế Lee Joon-koo (Đại học Quốc gia Seoul), đây chính là động lực để các em phấn đấu và lý do số lượng các bài nghiên cứu học thuật do học sinh viết gia tăng.

“Về phần mình, tôi không hề có bất cứ bài đăng báo nào trong suốt những năm phổ thông, thậm chí là cả thời sinh viên”, Joon-koo tự bộc bạch. Ông cảm thấy, số lượng học sinh Hàn Quốc có bài viết trên các tạp chí quốc gia, quốc tế là “không thể tin nổi”.

Khác với đánh giá khen ngợi của xã hội, Joon-koo bày tỏ sự ngờ vực. Bởi vì, theo quan sát của ông trong vòng 20 năm qua, 70% số học sinh từng có bài đăng không hề có thêm bất cứ tác phẩm nào sau khi rời ghế phổ thông. “Các thiên tài đã biến đi đâu?”, Joon-koo đặt ra câu hỏi.

Tháng 4/2022, công chúng Hàn Quốc xôn xao trước trình độ học vấn của một nữ sinh trung học, cô bé đã xuất bản tổng cộng 5 bài báo học thuật và 4 cuốn sách điện tử chỉ trong vòng 2 tháng. Bên cạnh ngưỡng mộ, người ta xì xào “biết đâu chẳng giống như vụ con gái của cựu Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk”.

“Vụ con gái của cựu Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk” là bê bối học vấn lớn nhất gần đây nhất. Năm 2015, Cho Min (con gái Kuk) đã nộp đơn xét tuyển vào Khoa Y, Đại học Quốc gia Pusan với bảng thành tích ngoại khóa “khủng”, trong đó có 1 bài báo nghiên cứu bệnh lý học đăng trên tạp chí y khoa quốc tế, viết khi còn là học sinh.

Năm 2019, Min bị tình nghi giả mạo bằng cấp, chứng chỉ, thành tích trong hồ sơ xin xét tuyển. Tháng 8/2021, Min bị xác nhận có gian lận và người “làm đẹp” hồ sơ cho cô là Chung Kyung-sim (vợ của Kuk).

Tháng 1/2022, Kyung-sim bị kết án 4 năm tù giam. Tháng 4/2022, Đại học Quốc gia Pusan hủy bỏ quyết định nhận Min nhập học. Trước đó, vào tháng 1/2022, Min đã tốt nghiệp và được cấp bằng cũng như giấy phép hành nghề y. Liệu cô có bị tước bằng và giấy phép hành nghề y hay không, việc này vẫn chưa được giải quyết.


Chung Kyung-sim, vợ cựu Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk, lĩnh án 4 năm tù vì tội giả mạo hồ sơ nhập học cho con gái.

“Lâu đài trên không” đời thực

Năm 2019, đài JTBC Hàn Quốc công chiếu bộ phim truyền hình dài Lâu đài trên không (Sky Castle - SK), khai thác chủ đề nỗi ám ảnh giáo dục con cái thành người ưu tú của tầng lớp thượng lưu. Các “mẹ hổ” trong phim bằng mọi cách thúc đẩy, đe dọa, luồn lọt… để con cái trở thành học sinh xuất sắc nhất, thuận lợi vượt cuộc thi qua đầu vào của Trường Đại học Quốc gia Seoul.

Lập tức, SK trở thành “bom tấn giáo dục”. Tuy là phim, nó phơi bày chính xác mặt tối của hệ thống giáo dục quốc gia. Quy định cộng điểm nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào điểm thi đầu vào đại học hóa ra lại làm nảy sinh lựa chọn khác: Chú trọng điểm cộng hơn điểm thi. Ngành tư vấn tuyển sinh đại học chớp cơ hội phân nhánh, thuê các cán bộ tuyển sinh, nhà tư vấn chuyên nghiệp, chuyên gia kiếm điểm… mở “văn phòng trên không”.

“Văn phòng trên không” cung cấp đa dạng chương trình, phương pháp giúp khách hàng là học sinh tích lũy điểm cộng. Ngoài ra, họ còn âm thầm nhận dịch vụ “viết bài ma”, “hỗ trợ” các em có bài nghiên cứu học thuật đăng trên các tạp chí quốc gia, quốc tế.

Phí dịch vụ của “văn phòng trên không” cực cao. Nghiễm nhiên, chỉ khách hàng “trên không” mới đáp ứng nổi. Rất nhanh, “văn phòng trên không” trở thành dịch vụ kiếm điểm cộng dành riêng cho tầng lớp thượng lưu Hàn Quốc.


Quy định điểm cộng đầu vào đại học ở Hàn Quốc làm nảy sinh đa dịch vụ kiếm điểm ngoài giáo dục chính quy.

Vì “hồ sơ đẹp”

Phụ huynh Hàn Quốc “trên không” can thiệp trực tiếp vào hồ sơ ứng tuyển đại học của con em. Họ kết hợp chặt chẽ với “văn phòng trên không”, cho con em học nâng cao, hoạt động tình nguyện, tham gia các cuộc thi, lấy chứng chỉ ngoại khóa…

Mục tiêu của học sinh và phụ huynh “trên không” là “hồ sơ đẹp”. Nó được điền đầy bằng thành tích học tập, kỹ năng lãnh đạo, công việc tình nguyện… hoàn hảo nhất, bảo đảm đạt điểm cộng đầu vào tối đa.

Từ lâu, xã hội Hàn Quốc đã chỉ trích “văn phòng trên không” phá vỡ sự bình đẳng trong giáo dục. Thời gian gần đây, các cơ quan quản lý giáo dục Hàn Quốc nhiều lần phải ra mặt, trấn áp dịch vụ “viết bài ma”. “Trong suốt 20 năm với gần 1 nghìn thiên tài, tôi chưa gặp bất cứ sinh viên nào xứng đáng được gọi là thiên tài trong trường đại học mình giảng dạy”, Joon-koo buồn nản nói.

Với câu hỏi “các thiên tài đã biến đi đâu?”, Joon-koo trả lời “vốn đã không có ai”. Ông kết luận, hầu hết các học sinh đó đều “giả mạo thiên tài”, là “sản phẩm của định hướng giáo dục sai lầm” và “nỗi ám ảnh của phụ huynh thượng lưu với trường danh tiếng”.

Ninh Thị Thơ - Theo koreaherald
Theo Giáo dục & Thời đại