Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:33
RSS

Hải quan chỉ ra điểm lạ trong vụ SEVEN.am bị nghi cắt mác Trung Quốc

Thứ năm, 14/11/2019, 15:22 (GMT+7)

“Hải quan rà soát mới phát hiện họ chỉ mở 1 tờ khai nhập hàng từ Trung Quốc về. Trong khi nhìn qua bao tải đựng hàng hóa của Quản lý thị trường chụp ảnh và số lượng hàng hóa khổng lồ như vậy, cùng với báo chí phản ánh, chúng tôi nhận thấy rất nhiều bất thường”, ông Âu Anh Tuấn nói.

Hải quan chỉ ra điểm lạ trong vụ SEVEN.am bị nghi cắt mác Trung Quốc
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan).

Xung quanh nghi vấn thương hiệu SEVEN.am nhập các sản phẩm quần áo, túi xách, khăn, đồ lót... từ Trung Quốc sau đó thay mác “Made in Vietnam” để bán cho người tiêu dùng, chia sẻ bên lề Hội thảo kinh nghiệm quốc tế về ngăn chặn gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại diễn ra sáng 14/11, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan), cho biết, Tổng cục quản lý thị trường đang chủ trì điều tra, xác minh sự việc. Về phía Tổng cục Hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu cũng đang thực hiện hoạt động rà soát, kiểm tra.

“Rà soát ban đầu cho thấy doanh nghiệp này rất lạ, Hải quan rà soát mới phát hiện họ chỉ mở 1 tờ khai nhập hàng từ Trung Quốc về. Trong khi nhìn qua bao tải đựng hàng hóa được Quản lý thị trường chụp ảnh và số lượng hàng hóa khổng lồ như vậy, cùng thông báo chí phản ánh, chúng tôi nhận thấy rất nhiều bất thường”, ông Tuấn cho hay.

Trước những điểm bất thường được ông Tuấn chỉ ra, PV tiếp tục đặt câu hỏi: “Liệu có hay không việc hàng hoá được chuyển qua đường tiểu ngạch?”

Ông Âu Anh Tuấn đã trả lời ngắn gọi: “Việc này còn phải chờ Cục Điều tra chống buôn lậu kiểm tra, xác minh đầy đủ thông tin mới có thể đi tới kết luận được”.

Về phía Cục thuế TP.Hà Nội, đơn vị này cho biết hiện các phòng, ban chức năng đang tổng hợp thông tin tình hình chấp hành pháp luật thuế của Công ty CP MHA - Chủ sở hữu thương hiệu Seven.AM để thông tin tới báo điện tử Dân Việt.

Hải quan chỉ ra điểm lạ trong vụ SEVEN.am bị nghi cắt mác Trung Quốc
Toàn bộ số hàng hoá được thu giữ tại Cơ sở kinh doanh số 135 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội - một địa điểm kinh doanh Thương hiệu thời trang Seven.am.

Điểm lại một số diễn biến chính xung quanh nghi vấn thương hiệu SEVEN.am nhập các sản phẩm từ Trung Quốc, Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có bài điều tra Thâm nhập “công xưởng” thời trang SEVEN.am tại Hà Nội. Cụ thể, nội dung được báo phản ánh là việc thương hiệu thời trang SEVEN.am có nhập thêm hàng Trung Quốc, thay đổi nhãn mác từ Trung Quốc thành "Made in Vietnam" trên một số sản phẩm khăn, quần áo và đồ lót.

Sau phản ánh nêu trên, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã ra quân kiểm tra.

Ngày 12/11, tin từ Cục Quản lý thị trường Hà Nội, sau khi kiểm tra 5 địa điểm kinh doanh thương hiệu thời trang SEVEN.am đội QLTT số 14 đã lập biên bản tạm giữ hơn 9.035 sản phẩm của thương hiệu này do chưa xuất trình đầy đủ hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

Trong đó, có 5.445 chiếc đầm, 409 chiếc chân váy, 1.902 chiếc áo khoác, 838 chiếc áo, 279 chiếc quần, 124 bộ quần áo, 24 túi xách và 14 chiếc ví.

Tại địa chỉ 135 Trần Phú (Hà Đông), đại diện cơ sở này chỉ xuất trình cho đoàn kiểm tra 1 bản đăng ký nhãn hiệu SEVEN.am còn hạn sử dụng; Giấy chứng nhận hợp quy Số 14518064; Đăng ký kinh doanh, Hợp đồng kinh tế may mặc được ký từ ngày 2/1/2018 với Cty TNHH Thời trang quốc tế Bảo Anh, 1 hóa đơn thanh toán với Công ty Bảo Anh từ tháng 5/2019.

Hải quan chỉ ra điểm lạ trong vụ SEVEN.am bị nghi cắt mác Trung Quốc
Niêm phong toàn bộ hàng hoá để điều tra, làm rõ vi phạm.

Khi lực lượng chức năng yêu cầu đại diện 5 điểm kinh doanh thương hiệu thời trang Seven.AM cung cấp thêm bản công bố hợp quy, các hóa đơn khác để đối chiếu, chứng minh nguồn gốc số hàng đang bán, đại diện các cơ sở đã không giải thích được cơ sở chất lượng gắn số hợp quy và đều không xuất trình được đầy đủ hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa và chưa công bố hợp quy cho sản phẩm để đưa ra lưu thông theo quy định.

Đội QLTT số 14 đã tiến hành lấy 3 mẫu sản phẩm để giám định chất lượng, đồng thời mở rộng điều tra làm rõ, để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

P.V
Theo Dân Việt