Trao đổi với PV Báo Dân Việt về quy trình, thủ tục làm giấy khai sinh cho bé gái 16 tháng tuổi nghi bị bạo hành (ở Hồ Sen, phường Dư Hàng), đại diện Phòng Tư pháp quận Lê Chân, TP.Hải Phòng cho biết, do trường hợp của cháu bé còn một số vấn đề chưa rõ ràng nên Phòng Tư pháp quận trình xin ý kiến Sở Tư pháp Hải Phòng hướng dẫn cụ thể về trường hợp này.
Đại diện Phòng Tư pháp quận Lê Chân cũng khẳng định trên địa bàn chưa có trường hợp nào như của cháu bé.
Hiện tại, chưa có văn bản hướng dẫn chính thức cho trường hợp này nhưng theo trình tự thủ tục qui định chung sẽ thực hiện áp dụng cho trẻ thuộc diện con bị bỏ rơi theo Điều 14 (Nghị định 123 năm 2016) của Bộ Tư pháp. Theo đó, thủ tục trường hợp trẻ bị bỏ rơi thì Công an, UBND địa phương, đại diện tổ dân phố nơi trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi.
Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng, nơi cháu bé 16 tháng nghi bị bạo hành đang được tạm nuôi dưỡng. Ảnh: Trần Phượng.
Sau khi lập biên bản theo quy định, UBND phường nơi trẻ bị bỏ rơi tiến hành niêm yết tại trụ sở trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi, thậm chí là cả đăng tải trên nhiều số báo.
Hết thời hạn niêm yết, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, thì sẽ tiến hành làm khai sinh cho trẻ theo qui định. Về nguyên tắc thì tập thể hoặc cá nhân, tổ chức nuôi dưỡng có trách nhiệm làm thủ tục khai sinh cho trẻ.
Đối với trường hợp của cháu bé 16 tháng tuổi hiện đang được nuôi tạm thời ở làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng nếu như đơn vị có quyết định tiếp nhận, nuôi chính thức cháu bé thì đơn vị này sẽ có trách nhiệm cử người đại diện làm khai sinh cho bé. Còn trường hợp cháu bé được cá nhân nào đó đủ điều kiện nhận nuôi thì cá nhân đó sẽ là người làm thủ tục khai sinh cho bé.
Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, bà T cho biết, bà nhận cháu về nuôi từ một nhóm từ thiện nhắn tin trên FB. Nhưng bà T không cung cấp được thông tin cho phóng viên đó là tổ chức nào, cụ thể là ai, địa chỉ ở đâu và cũng không có số điện thoại để liên lạc.
Bà T lý giải việc bà không trình báo chính quyền địa phương là do người thân khuyên mang về quê ở Kiến Thụy, gửi vào chùa rồi sau đó đến chùa xin nhận làm con nuôi. Nhưng do dịch kéo dài, bà T thương bé nên không nỡ làm như vậy. Khi biết nhận nuôi đứa trẻ không rõ nguồn gốc thì sẽ gặp rắc rối, bà muốn trả lại đứa trẻ nhưng cũng không biết trả cho ai?