Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:49
RSS

Hai người ngộ độc nặng sau khi ăn ốc lạ

Thứ bảy, 26/08/2017, 21:26 (GMT+7)

Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận vừa tiếp nhận một bệnh nhân nguy kịch được xác định do ăn phải ốc có độc tố.

Bệnh nhân ngộ độc là bà Nguyễn Thị Chiểu, 69 tuổi ở phường Mỹ Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Bà Chiểu được người nhà đưa đến viện trong tình trạng trụy tim, tê chân tay, suy hô hấp.

Ngộ độc nghi do ốc bùn bóng

Theo người thân của bệnh nhân, trưa ngày 22/8, gia đình có đến chợ Mỹ An mua 1kg ốc về ăn. Đến 16h chiều cùng ngày, bà Chiểu có dấu hiệu ngộ độc, trong khi hai người thân khác cũng ăn ốc lại không việc gì. Bà Chiểu đã trải qua một ngày điều trị tích cực nhưng vẫn hôn mê.

Theo cơ quan chức năng, loại ốc gia đình bà Chiểu đã ăn là ốc bùn bóng hoặc ốc bùn răng cưa. Đây là những loại hải sản có độc tố Tetrodotoxin như cá nóc, có thể gây tử vong nhanh khi ăn phải.

Ngày 19/8, một bệnh nhân khác là anh Đào Văn Quang ở phường Văn Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm cũng mua 0,5 kg ốc ở chợ Thanh Sơn về ăn và sau đó bị ngộ độc phải đi cấp cứu ở bệnh viện đa khoa tỉnh. Được biết, lẫn trong số ốc mà gia đình anh mua về có 6 con ốc bùn bóng.

Ngo doc

Ốc biển nếu có độc tố thường gây ngộ độc rất nặng. Ảnh minh họa

Sơ chế kỹ thì sẽ hạn chế được ngộ độc

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), có rất nhiều loài ốc biển; đa số được sử dụng làm thực phẩm nhưng một số loài có khả năng gây ngộ độc nặng. Tùy từng loài ốc biển mà có độc tố khác nhau.

Có những loài ốc luôn chứa chất độc gây ngộ độc cho người ăn, có một số loài ốc biển bình thường không hề gây ngộ độc cho người ăn nhưng lại có thể “đột nhiên” trở nên độc (do chúng ăn phải các loài tảo độc và tích lũy trong cơ thể hoặc không rõ nguyên nhân).

Có 2 loại độc tố chính trong ốc biển là Saxitoxin và Tetrodotoxin. Trong đó, Saxitoxin là độc tố vi tảo tích lũy trong các loài ốc mặt trăng, ốc đụn và ốc tram... Tetrodotoxin có trong ốc tù và, ốc hương Nhật Bản ốc tù và gai miệng đỏ, ốc bùn, ốc ngọc và có trong một số loài cá nóc, mực đốm xanh hay con so biển...

Hai độc tố này đều thuộc loại độc tố thần kinh cực mạnh, có trọng lượng phân tử thấp, do cấu trúc hóa học khá đặc biệt nên độc tố không bị phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý, chế biến kể cả ở nhiệt độ cao. Độc tố vẫn tồn tại và gây ra độc trong thức ăn đã được chế biến, xào nấu hay đóng hộp và cấp đông.

Ngộ độc

Một số loài ốc biển có thể gây ngộ độc cho người ăn. Ảnh minh họa: Internet

Hiện nay vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc do độc tố Tetrodotoxin và Saxitoxin. Biện pháp cấp cứu, điều trị hữu hiệu nhất là kích thích cho bệnh nhân nôn, rửa dạ dày; uống than hoạt tính để thải loại bớt chất độc. Đồng thời bệnh nhân được điều trị triệu chứng, hỗ trợ hô hấp (thở ô xy, thở máy…), hỗ trợ tuần hoàn (truyền dịch, trợ tim mạch…).

Để dự phòng ngộ độc do ốc biển độc, mọi người tuyệt đối không sử dụng các loại ốc biển nghi ngờ có độc như các loài ốc biển lạ, màu sắc sặc sỡ (ốc ma) để chế biến thành thức ăn.

Khi sử dụng ốc biển làm thức ăn, phải sơ chế thật kỹ: ngâm, thả vào nước muối nhạt, nước vôi nhạt hoặc dấm ăn để kích thích ốc đào thải hết cặn bã, chất tiết trong ruột, tuyến bọt. Sau đó rửa lại bằng nước sạch, để ráo. Khi ăn phải đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến. Tuyệt đối không ăn sống, ăn tái,  ăn mà không qua sơ chế kỹ.

Nếu sau khi ăn ốc biển mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như tê, rát bỏng ở môi và đầu lưỡi, đau đầu, đau bụng, buồn nôn…, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

 

Dưa chua và nguy cơ bạn có thể ngộ độc. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

 

Diệp Lâm (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN