Thứ năm, 25/04/2024 | 07:41
RSS

Cuộc giải cứu cháu bé bị bỏ rơi có khối u giống hệt chiếc đầu thứ hai

Thứ sáu, 25/08/2017, 15:25 (GMT+7)

Cháu bé hai ngày tuổi bị bỏ rơi có khối u to như một cái đầu nữa sau gáy đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 cưu mang và phẫu thuật thành công.

Cháu bé bị bỏ rơi này có một khối u to ở vùng chẩm (sau gáy), đường kính khối u lên đến 15 cm. Kèm theo đó, bé còn bị nhiễm trùng máu, viêm màng não.

Bệnh nhi được chuyển từ Bệnh viện Kiên Giang lên sau khi sinh thường 2 ngày. Sau khi đưa bé vào bệnh viện, gia đình đã bỏ rơi con mình dù đơn vị này đã cố gắng liên lạc.

U to ở gáy

Em bé có khối u to  gáy. Ảnh: pháp luật TP HCM

Dù người thân bé đã bỏ đi nhưng Bệnh viện Nhi đồng 1 vẫn làm các thủ tục cần thiết để điều trị cho bé như: Hội chẩn lãnh đạo bệnh viện, thực hiện các xét nghiệm, chụp MRI để chuẩn bị cho ca mổ. Bé được làm thủ tục như một bệnh nhi bị bỏ rơi và bé được nhân viên y tế Bệnh viện Nhi đồng 1 chăm sóc.

Kết quả hội chẩn xác định khối u của bé là một khối thoát vị lớn và phức tạp, cần điều trị bằng phẫu thuật để cứu bé.

Ngày 17/8, sau nhiều lần hội chẩn chuyên khoa, em bé đã được đưa lên bàn mổ để loại bỏ khối u (khối thoát vị)

Theo BSCK1 Phan Minh Trí– Khoa Ngoại Thần Kinh, BV Nhi Đồng 1, do khối thoát vị quá lớn nên việc phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên bác sĩ phải tìm cách đặt bé nằm ở tư thế phù hợp nhằm bảo tồn thật nhiều gân cơ cho bé.

Thứ hai phải làm sao đóng được cửa thoát vị rộng mà không làm tổn thương xoang tĩnh mạch vốn rất mong manh. Bên cạnh đó, phải cân nhắc tỉ mỉ, tính toán làm sao sau phẫu thuật lượng da đắp vào lỗ trống vừa đủ mà không dư, không thiếu.

U to o gay

Cháu bé "hai đầu" khi mới nhập viện. Ảnh: Người lao động

Ca phẫu thuật kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ. Khối thoát vị đã được loại bỏ.

BS Trí cho biết, trong khối thoát vị chủ yếu là một phần não đã thoái hóa, đường kính khối não chiếm đến 10 cm bên trong khối thoát vị. Ngoài ra, khối u còn mang nhiều mạch máu phức tạp. Đây là khiếm khuyết hình thành trong khoảng thời gian 3 tuần đầu thai kỳ, do việc đóng ống thần kinh không hoàn tất ở một vị trí, khiến màng não, nhu mô não… bị thoát vị ra ngoài, tạo nên một khối lớn.

Đến nay, cháu bé đã cai được thở máy, tình trạng ổn định và tiếp tục được điều trị chứng viêm màng não.

Bé hai đầu

Em bé có u to ở gáy nên trông như hai đầu đã được phẫu thuật thành công và đang được chăm sóc sau mổ. Ảnh: Pháp luật TP HCM

BS Lê Bích Liên, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM dị tật thoát vị não màng não vốn có thể chẩn đoán trước sinh để dự liệu phương án xử lý.

Khi mang thai, thai phụ nên chú ý một số yếu tố nguy cơ có liên quan như: mẹ có rối loạn chuyển hóa, sử dụng thuốc động kinh, nhiễm virus khi mang thai, sử dụng chất kích thích như ma túy, tắm hơi trong khi mang thai… để nhanh chóng kiểm tra và xử trí theo lời khuyên của bác sĩ.

Sự thực về "nước gừng chữa khỏi hẳn ung thư". Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

Diệp Lâm (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN