Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:15
RSS

Hà Nội và câu chuyện xây dựng “bức tử” giao thông

Thứ hai, 31/10/2016, 14:39 (GMT+7)

Một “thủ phạm” đặc biệt quan trọng của tình trạng bế tắc giao thông cần phải được chỉ ra hiện nay đó là việc phát triển ồ ạt, vô tội vạ của các đại đô thị, các cao ốc, chung cư ở khu trung tâm và dọc những tuyến đường tiến vào nội đô.

1.

Trong ngành kiến trúc - quy hoạch, có một thuật ngữ mà các chuyên gia ngày càng (buộc phải) dùng nhiều, đó là “bệnh đầu to đô thị”. Nó dùng để chỉ những đô thị bị nén cao độ ở trung tâm, rơi vào tình trạng quá tải và tạo ra những hệ quả rất tồi tệ (như kẹt xe, ô nhiễm môi trường, ứ đọng rác thải, thiếu cơ sở dịch vụ xã hội…). Những đô thị dạng này được ví với hình ảnh một người có cái đầu quá to, trong khi các phần khác của cơ thể bị teo tóp lại. Hà Nội cũng đang là một đô thị như vậy.

Có lẽ, trong muôn vàn nỗi khổ của người Hà Nội bây giờ thì nỗi lo tắc đường, kẹt xe là một trong những ám ảnh thường trực nhất. Và để giải tỏa sự bức xúc của mọi người, người ta thường đổ lỗi cho ngành giao thông thành phố đã không làm tròn nhiệm vụ. Phát triển đường sá chậm chạp, quy hoạch giao thông rối ren, đầu tư dàn trải, kém hiệu quả vv và vv…

Tất tần tật những nguyên nhân được chỉ ra đều đúng, đều trúng. Thế nhưng, đúng mà chưa đủ. Một “thủ phạm” đặc biệt quan trọng của tình trạng bế tắc giao thông cần phải được chỉ ra hiện nay đó là việc phát triển ồ ạt, vô tội vạ của các đại đô thị, các cao ốc, chung cư ở khu trung tâm và dọc những tuyến đường tiến vào nội đô.

Nếu như hiện tượng kẹt xe, tắc đường hiện nay tại Hà Nội được coi là biểu hiện “lâm sàng” rõ nét nhất của căn bệnh “đầu to đô thị” thì sự yếu kém và thiếu trách nhiệm trong quản lý quy hoạch được xem là nguyên nhân căn cơ.

Phố Nguyễn Chí Thanh bị "nhồi" thêm nhiều cao ốc khiến giao thông trên tuyến ùn tắc thường xuyên - Ảnh: Anh Tuấn.

2.

Vài năm trước, hàng loạt tuyến đường huyết mạch của Thủ đô ít khi nào ùn tắc. Nhưng nay, chúng thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải do lượng dân cư tăng quá nhanh ở các khu đô thị và những nhà cao tầng đang mọc lên như nấm sau mưa. Hàng trăm khu đô thị, cao ốc, chung cư được xây dựng và đưa vào sử dụng, đón một lượng dân cư khổng lồ đã gây lên một áp lực lớn cho hệ thống hạ tầng giao thông thành phố.

Không khó để tìm kiếm những minh chứng cho thấy xây dựng đang “bức tử” giao thông.

Năm 2010, đường Lê Văn Lương kéo dài (nay là đường Tố Hữu) dài 2,7 km được khánh thành, với kỳ vọng một tuyến huyết mạch mới tạo đà phát triển cho khu vực phía tây thành phố, giải tỏa một phần áp lực cho đường Nguyễn Trãi. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, một loạt khu đô thị đã mọc lên bám dọc tuyến. Tính sơ sơ đã có tới 30 - 40 tòa chung cư thuộc gần 20 dự án với chiều cao từ 20 đến trên 30 tầng, trong đó có những “đại đô thị” mà dân số tới vài ba vạn, bằng cả một phường. Và vì thế, từ một giải pháp cứu cánh, đường Tố Hữu đã trở thành “con đường đau khổ”, là gánh nặng giao thông của cả vùng.

Khu đô thị Mỹ Đình được quy hoạch thoáng đẹp là vậy, tưởng rằng sẽ là niềm tự hào của việc không kẹt xe, tắc đường. Nhưng không, hai năm trở lại đây, với sự cấp phép ồ ạt cho việc xây dựng thêm cả chục “đại đô thị”, chẳng cần bàn cãi người ta cũng mường tượng ra hình ảnh “những dòng sông người” chẳng hề lãng mạn.

Nhiều khu đô thị từng là kiểu mẫu khác như Trung Hòa - Nhân Chính hay Linh Đàm cũng đang “oằn mình” gánh thêm những “đại đô thị” trong quy mô nhỏ hẹp của mình. Từng được quy hoạch khá thoáng, những tuyến đường cắt ngang khu Trung Hòa - Nhân Chính để dẫn ra Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng vốn được xây dựng phục vụ cho gần 20 tòa chung cư theo quy hoạch trước đây với quy mô 20 - 30 tầng. Thì nay, nhiều tổ hợp thương mại - chung cư cao cấp mới mọc lên, “nén” thêm hàng vạn dân, trong khi đường không được mở rộng đã khiến những con đường khá thông thoáng trước đây như Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Ngân... trở nên ùn tắc cục bộ. Tương tự, khu đô thị Linh Đàm từng tự hào về không gian sống xanh, thoáng đã bị phá nát bởi sự “quá tải” chung cư, phủ kín phía tây - tây nam bán đảo, đặc biệt là hơn 10 tòa nhà cao từ 30 - 40 tầng trên quy mô diện tích chỉ vài ha. Không chỉ vậy, các đường nối Linh Đàm - Giải Phóng hay Khuất Duy Tiến đều tắc nghẽn trầm trọng giờ cao điểm, do lưu lượng phương tiện quá lớn đổ vào bán đảo…

3.

Có thể nói, Hà Nội đang bế tắc trong bài toán quy hoạch hạ tầng giao thông, trước áp lực đè nặng của gia tăng dân số, phương tiện cá nhân, đặc biệt là tình trạng đường chưa mở xong, cao ốc chọc trời đã mọc gần kín. Trong cuộc chạy đua giữa nhà và đường thì đường đã “thua đứt” bởi để đầu tư mở một con đường rất gian nan, mất nhiều thời gian, nhưng xây một vài tòa nhà chọc trời lại chỉ mất 1 - 2 năm.

Người ta thường nói, nguyên nhân của tình trạng này là sự yếu kém trong quy hoạch. Nhưng có lẽ, chúng ta cũng cần thẳng thắn chỉ ra sự yếu kém và thiếu trách nhiệm trong quản lý quy hoạch. Tình trạng xây dựng “bức tử” giao thông hiện nay là xây dựng không bền vững.

Không thể nói là Hà Nội không quan tâm đến vấn đề này nhưng tại sao có quy hoạch nội đô mà cao ốc vẫn cứ mọc? Các đồ án quy hoạch Hà Nội qua nhiều thời kỳ đều có nội dung thống nhất: hạn chế xây dựng công trình cao tầng trong khu trung tâm các quận nội thành. Thế nhưng, trên thực tế, những năm gần đây, rất nhiều công trình cao tầng đã được xây trong khu trung tâm Hà Nội, mà rõ ràng nhất là có đến 233 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Vì sao lại thế? Câu hỏi này đến nay vẫn chưa được chính quyền thành phố Hà Nội trả lời một cách minh bạch. Không chỉ vậy, giờ đây Hà Nội còn muốn tiếp tục cho xây cao ốc trong khu trung tâm!

Câu chuyện ở đây chính là vấn đề tầm nhìn hạn chế, chỉ tính đến lợi ích của riêng một nhóm nào đó, chỉ tính đến xây nhà bán kiếm lời. “Nhóm lợi ích” này dường như không chỉ có những người xây dựng, mà cả những người quản lý nữa./.

Phạm Nguyễn Toan
Theo Tạp chí Bất động sản