Chỉ số chất lượng không khí các khu vực ở trung tâm Hà Nội sáng 13-12 rất xấu. Ảnh: Tuổi trẻ
Sáng 14/12, nội thành TP Hà Nội chìm trong màn sương mờ ảo. Bầu không khí mù mịt, tầm nhìn xa giảm đáng kể, các tòa nhà cao tầng không còn thấy rõ hoặc biến mất ttrên nền trời mờ đục.
Người dân ở nhiều khu vực lo ngại tình trạng bụi mịn trong không khí xuất hiện trở lại như trong tháng 9 vừa qua. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già và người mắc bệnh về đường hô hấp.
Dân Trí đăng tải thông báo của Sở TN-MT Hà Nội rằng, đến 9h sáng nay, hệ thống 11 điểm quan trắc chỉ số chất lượng không khí ghi nhận 9 điểm chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức màu tím. Không khí ở mức này được đánh giá là “rất xấu”, được cảnh báo sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người, nghiêm trọng hơn so với mức “xấu”.
Hai điểm có chất lượng không khí được đánh giá ở mức “xấu” là Tây Mỗ và Hoàn Kiếm. Chất lượng không khí ở mức này, với người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Lớp mù đặc quánh biến Hà Nội mờ ảo như Sapa. Ảnh: Dân Trí
Đánh giá về chất lượng không khí từ ngày 7/12 đến 13/12, Tổng cục Môi trường nêu chất lượng không khí đang có xu hướng xấu đi, đặc biệt, trong mấy ngày gần đây, chỉ số AQI giờ đo được tại một số trạm ở Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu. Thời gian này, người dân cần hạn chế các hoạt động ngoài trời.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đã xác định 12 nguồn gây ô nhiễm không khí. Đầu tiên liên quan đến chất thải của các nhà máy xung quanh Hà Nội. Nguồn gây ô nhiễm thứ hai liên quan đến chất thải từ xe máy, ôtô. Nguồn thứ ba liên quan đến các xe chở chất thải, phế thải, chở rác, cát sỏi. Tiếp đến là bụi bẩn từ quá trình xây dựng các công trình do quản lý không tốt, không che chắn đúng quy định...
TS Hoàng Dương Tùng - chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN nhận định trên Người lao động rằng, đây là đợt ô nhiễm không khí khủng khiếp với nhiều ngày chất lượng không khí ở mức rất xấu.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, nếu tình hình tiếp tục tồi tệ trong những ngày tới, cần thiết phải cân nhắc áp dụng biện pháp khẩn cấp là cho học sinh một số trường ở vùng ô nhiễm cao nghỉ học, hạn chế các tiết học ngoài trời ở vùng ô nhiễm ít hơn. Ngoài ra, xem xét tạm dừng một số cơ sở sản xuất và công trình xây dựng, ngăn chặn người dân đốt rác, đốt rơm rạ.