Thứ ba, 16/04/2024 | 21:08
RSS

Hà Nội: Những đoạn vỉa hè “sinh” nhưng không được “dưỡng”

Thứ tư, 02/11/2016, 15:22 (GMT+7)

Hiện nay, các tuyến phố Hà Nội xuất hiện rất nhiều đoạn vỉa hè xuống cấp, thậm chí xuống cấp nghiêm trọng, vừa khiến cho việc di chuyển của người đi bộ gặp khó khăn lại vừa gây mất mỹ quan đô thị thành phố.

Vỉa hè xuống cấp

Theo khảo sát của phóng viên, những đoạn vỉa hè ở các trục đường như Cầu Giấy, Nguyễn Phong Sắc, Xuân Thủy, Trần Đại Nghĩa hay Phạm Văn Đồng… đã có hiện tượng nứt vỡ, bong tróc, gập ghề, mấp mô ảnh hưởng lớn đến cảnh quan đường phố. Nhiều chỗ đá lát vỉa hè bị vỡ được cậy lên để trên nắp hố ga trông khá nhếch nhác, thiếu thẩm Mỹ

Vỉa hè đoạn đường Cầu Giấy, ngay gần trạm trung chuyển Cầu Giấy (Hà Nội) nứt vỡ khá nhiều.

Vỉa hè đoạn đường Cầu Giấy, ngay gần trạm trung chuyển Cầu Giấy (Hà Nội) nứt vỡ khá nhiều.

Hiện nay, vỉa hè Hà Nội thường được lát bằng một số loại vật liệu như đá, gạch bê tông giả đá, gạch Terrazzo hoặc gạch granite, thậm chí chỉ lát xi măng… Tuy nhiên, tuổi thọ của các loại vật liệu này lại không cao do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Dù mới được UBND cùng Sở GTVT Hà Nội quyết định sửa chữa, nâng cấp nhưng chỉ sau một thời gian, những viên gạch lát vỉa hè này lại trở về “cái máng lợn cũ”, nứt hở, vỡ thành nhiều mảnh trên các con đường của Hà Nội.

Theo ông Cao Văn Sơn (người dân sinh sống trên đường Cầu Giấy) cho biết: “Cứ lột lên xây lại mà vẫn không đâu vào đâu, vỉa hè vẫn nham nhở, nứt hỏng, thậm chí ngay trước cửa nhà có đoạn vỉa hè xấu quá làm nhà tôi cũng xấu theo”.

Những đoạn vỉa hè không bong nứt thì cũng gồ ghề, mấp mô, chỗ lồi, chỗ lõm không bằng phẳng như ban đầu thiết kế đặt ra. Nhiều đoạn lớp xi măng còn bong tróc, để trơ lại nền đất gập ghềnh khiến cho việc đi lại vô cùng khó khăn.

Chị Hoa, người thường xuyên đi bộ tại tuyến đường Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy) chia sẻ: “Mỗi sáng, đi tập thể dục về tôi không dám đi lên vỉa hè bởi nó lổm nhổm đất đá và những mảng xi măng bong vỡ, không nhìn kĩ là ngã ngay”.

Cũng theo đó, nhiều đoạn vỉa hè đã bị lún xuống so với mặt bằng chung. Tại tuyến đường Cầu Giấy, PV đã ghi nhận một đoạn vỉa hè bị lún, ứ đọng nước mưa gây khó khăn cho người đi lại.

Đoạn vỉa hè bị lún gây ứ đọng nước mưa trên đường Cầu Giấy.

Đoạn vỉa hè bị lún gây ứ đọng nước mưa trên đường Cầu Giấy.

“Có sinh nhưng không có dưỡng”

Mặc dù được đầu tư xây dựng và cải tạo nhiều lần nhưng một số đoạn vỉa hè vẫn không có dấu hiệu khá lên. Chưa bàn đến yếu tố chất lượng vật liệu đầu tư, có thể thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đó là ý thức giữ gìn, chăm sóc và bảo vệ những đoạn vỉa hè tại các khu vực này.

Hầu hết những đoạn vỉa hè hư hỏng đều nằm phần rìa ngoài, sát với lòng đường. Nguyên nhân dẫn đến sự hư hỏng đó, một phần là do các phương tiện giao thông vào giờ cao điểm đông người, để giảm bớt tỷ lệ kẹt xe dưới lòng đường nên đã đo xe lên vỉa hè, “luồn lách” nhanh hơn.

Lâu ngày những đoạn vỉa hè gần đó cũng vì thế mà lún xuống, tạo một đường hơi dốc, vô tình trở thành chỗ lên xuống hữu hiệu cho các xe gắn máy.

Đoạn vỉa hè ngoài xuống cấp tạo thành “dốc đi lại” cho các phương tiện giao thông trên đầu đường Phạm Văn Đồng.

Đoạn vỉa hè ngoài xuống cấp tạo thành “dốc đi lại” cho các phương tiện giao thông trên đầu đường Phạm Văn Đồng.

“Mọi ngày, xe máy họ kéo lên ùn ùn, chỗ vỉa hè có khi mới trát lại xong người ta đi lên luôn, đặc biệt vào những ngày trời mưa, hư hỏng là chuyện sớm muộn” – Bác Toàn, người bán nước ven đường trên trục đường Phạm Văn Đồng chia sẻ.

Trong khi đó, theo nhiều người dân phản ảnh, vỉa hè hư hỏng nặng cũng là do những đơn vị thi công lắp đặt cáp ngầm cho các công trình liên quan chưa làm tốt việc tái lập mặt đường. Việc nối dây cáp, dây điện, ống thoát nước ngầm xong không đậy nắp cống ngầm lại cũng như không lát gạch như hiện trạng ban đầu, khiến cho vỉa hè trở nên lồi lõm, mất cảnh quan đô thị.

Ống dẫn ngầm đặt xong chưa xử lý mặt lấp hiệu quả tại đầu đường Trần Thái Tông.

Ống dẫn ngầm đặt xong chưa xử lý mặt lấp hiệu quả tại đầu đường Trần Thái Tông.

Thi công xong nhưng không hề lấp lại vỉa hè tại đoạn đường Xuân Thủy.

Thi công xong nhưng không hề lấp lại vỉa hè tại đoạn đường Xuân Thủy.

Những đoạn vỉa hè dù cho có xây sửa, cải tạo nhiều lần nhưng không được giữ gìn, sử dụng hiệu quả, đúng cách thì không thể nào kéo dài tuổi thọ. Có sinh có dưỡng mới có thể vun đắp, phát triển bền vững được.

Hiện nay, thành phố Hà Nội đang có chủ trương lát vỉa hè, bó vỉa phải bằng vật liệu tự nhiên, có kết cấu bền vững từ 50-70 năm tại 12 quận trên địa bàn để đảm bảo tính đồng bộ, văn minh và sử dụng lâu bền các công trình hạ tầng. Hy vọng những đoạn vỉa hè sinh ra sẽ được “dưỡng” một cách tốt nhất, tạo thẩm mỹ cho cảnh quan đô thị thành phố.

Hải Linh Trần
Theo Xây Dựng