Thứ sáu, 29/03/2024 | 01:37
RSS

Sống “sát nách” trung tâm Hà Nội vẫn thèm nước sạch

Thứ ba, 01/11/2016, 14:41 (GMT+7)

Có khoảng 7.000 hộ dân, tương đương với 27.000 nhân khẩu ở xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) dù sống ở Thủ đô nhưng nhiều đời nay vẫn mòn mỏi mong ngóng có nước sạch.

Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề trên, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hiếu – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội), ông Hiếu cho biết: Khoảng 7.000 hộ dân, tương đương với 27.000 nhân khẩu của xã nhiều thế hệ đến nay chưa từng có nước sạch để dùng.

Nguồn nước mà người dân nơi đây đang sử dụng là nước giếng khoan, nước mưa và nguồn nước hợp vệ sinh do Xí nghiệp môi trường đô thị huyện Thanh Trì cung cấp.

“Năm 2013, TP Hà Nội đã có chủ trương xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân trong xã và đã giao cho một doanh nghiệp đầu tư làm, nhưng không hiểu sao đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai. Nhân dân vẫn dùng nước gọi là hợp vệ sinh chứ hoàn toàn chưa có nước sạch như các hộ trong nội thành.

Mong muốn của chính quyền xã, cũng như bà con ở đây là TP Hà Nội cần quan tâm, đẩy nhanh tiến độ dự án cung cấp nước sạch cho khu vực chúng tôi” – ông Hiếu cho biết.

Trạm trung chuyển nước của xã Vĩnh Quỳnh không cung cấp đủ nước cho người dân trong xã

Trạm trung chuyển nước của xã Vĩnh Quỳnh không cung cấp đủ nước cho người dân trong xã.

Ông Phan Văn Toán, cán bộ xã Vĩnh Quỳnh cho biết thêm, hiện tại cả xã chỉ có 1 trạm nước trung chuyển lấy nước từ Xí nghiệp môi trường đô thị huyện Thanh Trì để bơm tới từng hộ dân.

Tuy nhiên, bể chứa của trạm này chỉ có khối lượng 250m3, ngày bơm 2 lần được khoảng 500m3 nước cũng không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của khoảng 7.000 hộ dân trong xã. Ngoài ra, do đường ống nước đã xuống cấp, thường xuyên xảy ra rò rỉ nên tỷ lệ thất thoát nước rất lớn, khiến lượng nước càng trở lên thiếu thốn.

Nhà anh Trương Tuấn Bảo bao thế hệ vẫn phải dùng nước giếng khoan để sinh hoạt

Bể lọc nước giếng khoan của gia đình anh Bảo

Nhà anh Trương Tuấn Bảo bao thế hệ vẫn phải dùng nước giếng khoan để sinh hoạt. Ảnh: Bể lọc nước giếng khoan của gia đình anh Bảo.

Trao đổi với PV Dân trí, anh Trương Tuấn Bảo (47 tuổi, ở thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh) cho biết: “Chưa có nước sạch, nên gia đình tôi vẫn phải dùng nước giếng khoan, mặc dù biết không an toàn. Dùng nước giếng khoan ở đây nhiều người lo lắng vì sợ mạch nước ngầm nhiễm bẩn từ nghĩa trang Văn Điển.

Còn dùng nước mưa thì chúng tôi cũng lo lắng do ảnh hưởng của khói bụi từ nhà máy phân lân gần đây. Bà con ở đây mong muốn là chính quyền sớm xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch, để chúng tôi yên tâm sử dụng”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không những người dân nơi đây chưa được sử dụng nguồn nước sạch, mà họ còn phải mua nước máy từ Tổ Dịch vụ nước sạch của xã Vĩnh Quỳnh (nguồn nước lấy từ Xí nghiệp môi trường đô thị huyện Thanh Trì) với giá khá cao, trung bình là hơn 10.000 đồng/m3.

Lý giải về việc tại sao người dân lại phải mua nước giá cao hơn so với giá nước sạch chung do UBND TP Hà Nội qui định, ông Toán, cán bộ xã Vĩnh Quỳnh cho biết: Việc tính giá nước là do thỏa thuận giữa Tổ Dịch vụ nước sạch của xã này với nhân dân, sở dĩ thu cao một phần là do tỷ lệ thất thoát nước qua đường ống lớn, lên tới 60-70%.

Nguyễn Dương
Theo Dân Trí