Ảnh minh họa.
Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận giảm so với tuần trước đó. Tuy nhiên, số ca mắc mới vẫn ở mức cao, đặc biệt là có thêm 2 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong từ đầu năm đến nay lên 23 ca.
Cụ thể, trong tuần qua (từ ngày 2 đến 9/12), trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.309 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 9% so với tuần trước). Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã; trong đó, một số đơn vị có số mắc cao như: Hà Đông (186 ca), Đống Đa (114 ca), Thường Tín (104 ca), Hoàng Mai (98 ca), Thanh Trì (87 ca), Phú Xuyên (82 ca), Phúc Thọ (80 ca).
Cũng trong tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 42 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 11 quận, huyện: Đống Đa (13), Thanh Trì (12), Hai Bà Trưng (4), Hà Đông (3), Thanh Xuân (2), Bắc Từ Liêm (2), Hoài Đức (2), Hoàng Mai (1), Đông Anh (1), Mê Linh (1), Phúc Thọ (1).
Như vậy, kể từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 17.623 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 5,3 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 23 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 567/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành đã xác định được là DENV1 và DENV2, DENV4.
Đồng thời, đã ghi nhận 1.361 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 143 ổ dịch đang hoạt động, tại 21 quận, huyện, trong đó, một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân: Thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 290 bệnh nhân; thôn Vĩnh Lộc 1, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (69 bệnh nhân), thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai (41 bệnh nhân); thôn Thao Nội, xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên (40 bệnh nhân); thôn Thọ Giáo, xã Tân Minh, huyện Thường Tín (32 bệnh nhân).
Theo các chuyên gia dự báo, số mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục ghi nhận ở mức cao trong thời gian tới, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đề nghị các địa phương và người dân tiếp tục tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Các quận, huyện cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định phòng, chống dịch, đặc biệt là xử lý nghiêm tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Mặt khác, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân phối hợp với ngành y tế trong hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, bảo đảm tỷ lệ phun đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế.