Trong gần 10 năm tới, Hà Nội sẽ giảm khoảng 215.000 người trong bốn quận nội thành. (Ảnh minh họa)
TP.Hà Nội vừa tổ chức hội nghị công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Đây là quy hoạch đã được rục rịch triển khai từ năm 2011, nhưng đến nay mới chính thức được thông qua.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hùng - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, với việc quy hoạch được thông qua, Hà Nội đặt quyết tâm không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô và từ nay đến năm 2030 sẽ giảm từ gần 900.000 người xuống còn 672.000 người.
Như vậy, trong gần 10 năm tới, Hà Nội sẽ giảm khoảng 215.000 người trong bốn quận nội thành. "Kế hoạch này hoàn toàn khả thi và phù hợp với thực tiễn. Theo đó, sẽ có 120.000 người thuộc diện giải phóng mặt bằng làm đường, lấn chiếm công trình công cộng được di dời; Giảm cơ học 100.000 người khi di dời các trụ sở bộ ngành. Trong 6 năm qua, dân số quận Hoàn Kiếm cũng tự giảm 20.000 người", ông Hùng nói.
Đối với giải pháp giãn dân khỏi khu vực nội đô lịch sử, trả lời báo chí mới đây, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay, quan điểm của Thành phố là từ năm 2020-2030 khi Hà Nội đang từng bước triển khai các dự án: Di dân, giải phóng mặt bằng để mở đường theo quy hoạch, tái thiết đô thị; di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, bệnh viện, trụ sở Bộ ngành; phát triển đường sắt đô thị tại khu vực Nội đô; phát triển các chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng, phía Đông đường Vành đai 4 và các đô thị vệ tinh; đồng thời trước bối cảnh tăng dân số tự nhiên và cơ học… Trước mắt cần từng bước thực hiện lộ trình giảm dân trong khu vực theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Về lâu dài, khi Thành phố triển khai đồng bộ các Dự án trên sẽ dần thu hút dân số dịch chuyển ra; khi đó cần kiểm soát quy mô dân số tại các khu vực theo đúng quy hoạch được duyệt.
Ông Lưu Quang Huy cũng cho biết, ngoài giải pháp di dân ra bên ngoài khu vực nội đô lịch sử khi thực hiện các dự án giải phóng mặt bằng để mở đường, đầu tư phát triển các dự án công cộng, hạ tầng xã hội của Thành phố và địa phương, cần triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm giãn dân cơ học. Cụ thể là triển khai đồng bộ các chủ trương di dời trường đại học, bệnh viện, trụ sở Bộ ngành… ra khỏi khu vực nội đô lịch sử.
Thực tế vấn đề giãn dân tại Hà Nội đã được đặt ra rất lâu. Chủ trương giãn dân phố cổ được TP. Hà Nội đặt ra từ hơn 20 năm trước. Đề án giãn dân phố cổ được UBND TP. Hà Nội phê duyệt từ năm 1998 với mục tiêu di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người, dự kiến đề án giãn dân phố cổ Hà Nội sẽ kết thúc vào năm 2020. Thành phố đã lên kế hoạch khởi công dự án từ năm 2002 với mục tiêu bước đầu di dời khoảng 7.000 dân tới khu đô thị Việt Hưng. Tuy nhiên, trên thực tế, đến thời điểm hiện tại kế hoạch này chưa thể thực hiện do gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội.
Trao đổi với Dân Việt, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho hay, từ 1998, Hà Nội đã đặt ra vấn đề dân số tại các khu nội đô lịch sử. Lúc đó dân số thực tế có khoảng 96 vạn người. Đến nay, số dân của Thủ đô đã phình lên khoảng 1,4 triệu dân sinh sống tại khu vực nội đô lịch sử, gây quá tải. Vì thế cần xem xét kỹ và có định hướng mới về vấn đề này.
Ông Nghiêm cho rằng, quan trọng nhất là những trường hợp thực hiện giãn dân phải được xác định thật cụ thể để có cơ chế thích hợp nơi đến. Phải làm thế nào tạo ra sức hút mới, là nơi người dân mong đến chứ không phải nơi khiến họ cảm thấy bị áp đặt. Đồng thời, các công trình hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ, bệnh viện, trung tâm thương mại, không gian xanh công cộng… cần được xây dựng đồng bộ.
Một trong những vấn đề liên quan đến việc giãn dân là việc di dời trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học… . Theo ông Nghiêm, đây là vấn đề bức thiết đặt ra từ lâu, thậm chí Thủ tướng từng nhiều lần có văn bản nhưng vẫn chưa thực hiện tốt.
Ông Nghiêm cho rằng, nguyên nhân vì sao các trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học vẫn "ngần ngại" trong việc di dời trụ sở sang địa điểm mới cần có những đánh giá nhìn nhận khách quan.
Theo ông Nghiêm, nguyên nhân các cơ quan ko chịu di dời, thứ nhất là giữ đất để sử dụng cho mục tiêu khác. Thứ hai, họ giữ đất này nhằm tạo nguồn vốn để xây dựng trụ sở mới. Nhưng một nguyên nhân thứ ba cần phải nhìn nhận và thông cảm là khi các trụ sở di dời phải kèm theo đó điều chỉnh lại vấn đề di chuyển của cán bộ công nhân viên.
Bài học di dời của các nước khi di dời các bộ ngành, trụ sở cơ quan ra ngoại thành là họ phải bố trí các khu đô thị mới gần đó, khu nhà ở để phục vụ cho cán bộ, nhân viên. Ví dụ như ở Thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), khi di chuyển các trụ sở cơ quan ra ngoại thành họ xây dựng trụ sở và xây dựng luôn cả nhà thờ, trường học, không gian công cộng, cùng với đó là tạo điều kiện hỗ trợ mua nhà giá rẻ hơn, hay cho thuê nhà ở giá rẻ cho cán bộ, nhân viên…
"Tôi nghĩ, với cách làm như thế, chúng ta sẽ có hướng giải quyết hợp lý hơn, thuận lợi, không gây ra ách tắc giao thông tạo áp lực khó khăn cho người dân khi phải di dời nơi ở, nơi làm việc. Với đề án quy hoạch lần này, Hà Nội cũng đã có tính đến việc xây dựng các trụ sở mới gần các khu đô thị nhưng các cơ chế chính sách thuận lợi để cho người ta di dời nơi ở đi theo nơi làm việc cũng đang là vấn đề cần phải xem xét" - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh.