Nghề bán bỏng gạo "lương" cao nhưng không đều
Xuất hiện từ khá lâu, nhưng nghề bán bỏng gạo, bỏng ngô ở Hà Nội vẫn luôn là nghề "hot", nghề lạ. Nhiều người từng nghĩ đây là việc làm không mang lại nhiều tiền nhưng thực tế thì không phải vậy.
Ngồi bán bỏng gạo trên vỉa hè đường Sa Đôi (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội), anh Trần Đình Cường (Đại Mỗ) cho biết, anh đã làm nghề này được 10 năm. Trước đây, anh bán trên phố nhưng vì bị công an đuổi liên tục nên phải bỏ đất phố di chuyển về vùng ven đô.
Anh Cường kể, trước đây ở trên phố cổ mỗi ngày, anh bán được từ 400-500 túi (bán lẻ và sỉ). Khách du lịch nhiều, khách qua lại cũng đông nên bán rất chạy. Bình thường anh Cường đổ buôn giá là 10 nghìn đồng một túi bỏng gạo thanh, 12 nghìn đồng túi bỏng gạo lứt. Nếu bán lẻ trên phố giá từ 15-20 nghìn đồng/túi.
Quầy của anh Cường thường chỉ nổ bỏng vào khung giờ nhất định buổi sáng từ 9h-10h. Ảnh: N.T
Nguyên liệu chính làm loại bỏng gạo là hạt gạo, đường hóa học. Ngoài ra, để tăng hương vị, độ béo, thơm cho bỏng, nhiều nơi người dân còn cho thêm: Đậu xanh, phomai bột, gạo lứt, ngô ... vào trộn đều để nổ bỏng.
Công việc nổ bỏng tuy không quá vất vả, chỉ cần cho nguyên liệu đã trộn sẵn vào máy nổ là chiếc máy sẽ tự đùn bỏng ra. Tuy nhiên, phải là người có kinh nghiệm mới biết cách làm bỏng. Anh Cường cho biết, nguyên liệu được đi qua lò đồng nung nóng, nổ chảy ra thành thanh dài. Người lấy bỏng cần phải biết điều chỉnh nút nhiệt độ, kéo thanh bỏng ra cho vừa đẹp. Thêm nữa, thợ bẻ bỏng cần đi găng tay vì bỏng vừa tuột ra khỏi lò thường rất nóng, nếu không cẩn thận thì có thể bị bỏng hơi.
"Tiền thuê cửa hàng đắt, ít người ghé nên phải cố đứng vỉa hè, bán được ngày nào biết ngày đó". Anh Trần Đình Cường (Phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) |
Theo quan sát, khung giờ từ 9h sáng tới 15h chiều, số lượng người mua hàng thường rất ít. Chỉ từ 16h chiều, khi người dân đi làm về thì mới mua đông hơn. Anh Cường cho biết, từ ngày chuyển về đây (đường Sa Đôi), số lượng bán chậm hơn chút. Chủ yếu bán được vào giờ tan tầm, lúc mọi người đi làm về đi lại đông đúc. Giá bán cũng thấp hơn, chỉ 10 nghìn đồng một túi khoảng 30 thanh.
Tuy không phải thời gian cao điểm như tháng 5, 6, nhưng thời điểm này mỗi ngày anh Cường cũng bán được khoảng hơn 200 gói bỏng. Ảnh: N.T
Tính trung bình mỗi ngày anh bán được khoảng 200 túi - 300 túi, thu được hơn 1,5 triệu đồng cả vốn và lãi. Trừ chi phí tiền nguyên liệu, tiền thuê người làm cùng, trung bình mỗi ngày anh cũng đút túi được 600 -700 nghìn đồng. Tháng cao điểm là vào mùa mưa thì mỗi ngày có thể kiếm được 1-2 triệu đồng. "Tính thu nhập hàng ngày có vẻ cao nhưng khoản thu nhập đó lại không đều. Có ngày mưa gió, rồi bị an ninh phường đi đuổi... thì phải nghỉ bán", anh Cường tâm sự.
Ngày mưa, dân thích ăn bỏng gạo nhiều hơn
Bỏng gạo là món quà quê, quen thuộc với nhiều người dân miền Bắc. Tuy nhiên, thường vào những ngày mùa đông, trời mát hoặc trời mưa thì mọi người sẽ thích ăn hơn.
Dừng xe bên đường mua bỏng gạo, chị Nguyễn Thị Liên (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, sinh ra từ quê, tuổi thơ của chị gắn liền với món ăn này. "Trước đây quý lắm mới có bỏng gạo. Có khi phải vài tuần bà tôi đi chợ mới dám mua một hai thanh bỏng nổ cho cháu. Giờ lớn rồi nhưng thi thoảng tôi vẫn mua về ăn và kể chuyện cho các con nghe", chị Liên kể.
Cũng theo chị Liên, thường chị chỉ mua vào những ngày trời mưa, trời nắng thì ít mua vì lúc đó ăn bỏng khô có cảm giác khát nước hơn.
Chị Liên một khách hàng quen của anh Cường vẫn thường mua bỏng về ăn. N.T
"Tôi thường chọn những quầy hàng có máy nổ, bán luôn khi vừa ra lò vì như vậy bỏng mới giòn và thơm. Quan trọng nhất vẫn là vì mình nhìn thấy nguyên liệu sạch. Sợ nhất ăn phải nguyên liệu gạo bẩn, hoặc mốc", chị Liên tâm sự.
Chị Liên cũng cho biết, chị từng ăn bỏng ở nhiều nơi, nhưng bỏng chỗ anh Cường là thấy thích nhất, bỏng nổ giòn, thơm, không bị ngọt đậm. Chính bởi vậy, chị còn xin số người bán hàng để thi thoảng đặt hàng, giới thiệu cho người quen.
Không chỉ bán cho khách hàng quen, đầu năm cũng là thời điểm anh Cường tiếp nhiều khách hàng mới. Rất nhiều khách hàng qua lại, mua bỏng về làm lễ đầu năm tại nhà, hoặc đi lễ chùa.
Ông Tiến mua bỏng làm lễ đầu năm tại gia đình. Ảnh: N.T
Ông Nguyễn Văn Tiến, người dân ở phường Đại Mỗ mua bỏng làm lễ cúng cho biết, dịp đầu năm nào gia đình ông cũng cúng dâng sao giải hạn. Trong đó, vật phẩm cúng tiến không thể thiếu được mà nhà chùa tư vấn đó là bỏng gạo.
Nhưng cùng chung tình hình đối phó với dịch Covid -19, theo anh Cường, lượng khách đặt mua bỏng với mục đích lễ năm nay cũng vắng hẳn. Quầy của anh cũng chỉ mới rục rịch bán nhiều cho khách lễ hơn được cách đây mấy hôm...