Thứ tư, 24/04/2024 | 05:16
RSS

Hà Nội cho học sinh nghỉ hè rồi quay lại thi học kỳ 2, PGS Nguyễn Hữu Hợp: “Có cần thiết hay không?”

Thứ sáu, 14/05/2021, 08:30 (GMT+7)

Ngay sau khi UBND thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT về việc điều chỉnh khung kế hoạch năm học 2020-2021, PGS Nguyễn Hữu Hợp đã bày tỏ quan điểm của mình.

Thi học kỳ 2 sẽ được thực hiện vào thời gian nghỉ hè

Chiều 13/5, UBND thành phố Hà Nội quyết định cho học sinh các cấp đồng loạt nghỉ hè từ ngày 15/5 để ứng phó với tình hình covid-19 diễn biến phức tạp. Nhiệm vụ năm học 2020-2021 còn lại (thi học kỳ II, tổng kết năm học) sẽ được thực hiện vào thời gian nghỉ hè, khi tình hình dịch bệnh ổn định, học sinh có thể đến trường.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp, giảng viên cao cấp khoa giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "Nghe tin Sở GD-ĐT cho học sinh nghỉ hè sớm, còn việc thi học kỳ II sẽ được tổ chức vào thời gian nghỉ hè, khi tình hình dịch bệnh ổn định, học sinh có thể đến trường. Tôi thấy rằng, việc thi này không cần thiết, nên bỏ. Vì sao?


PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp, giảng viên cao cấp khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Trong dạy học, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong suốt quá trình học tập, qua từng tiết học, hằng ngày... quan trọng hơn đánh giá định kỳ cuối học kỳ, năm học...; đánh giá quá trình việc học sinh tư duy, vận dụng kiến thức và kỹ năng để giải quyết vấn đề quan trọng hơn kết quả kiến thức, kỹ năng... 

Dễ hiểu, đánh giá cuối năm chưa phản ánh được học sinh học như thế nào, mức độ phát triển tư duy, các biểu hiện phẩm chất, năng lực mà chỉ xác định và xác nhận mức độ hiểu biết và kỹ năng. Như vậy, mục đích đánh giá này nặng về xếp loại mà không phải giúp các em tiến bộ, phát triển (mục đích này mới là nhân văn!). 

Nội dung đánh giá định kỳ hiện nay ở nhiều trường mới dừng lại ở kiến thức, chủ yếu học thuộc lòng theo "đề cương" và kỹ năng hầu hết theo các dạng bài mẫu đã được luyện. 

Trong lúc đó, nội dung đánh giá, đúng ra phải là những biểu hiện của các phẩm chất và năng lực được phát triển ở học sinh. Vậy thì để học sinh thi có kết quả "tốt" trong đợt nghỉ hè, nhiều giáo viên phải cho các em học theo "đề cương", luyện tập các dạng bài mẫu. Thi xong, hầu hết học sinh sẽ trả lại những gì giáo viên đã dạy! 

Vậy thi để làm gì nếu không phải vì học sinh?

Kết quả thi ở nhiều nơi thiếu khách quan, nếu không nói là giả. Nhiều giáo viên ngay tại Hà Nội phàn nàn với tôi rằng, không ít em học sinh lớp 3, lớp 4 không làm được các phép tính cộng, trừ có nhớ trong phạm vi 100 (thuộc chương trình lớp 2). Báo chí đưa tin, học sinh lớp 6 tỉnh nọ chưa đọc thông, viết thạo... 

Rồi đây, nếu thi, kết quả sẽ rất "đẹp", sẽ lại một rừng giấy khen. Thực ra, những kết quả "đẹp" của nhiều học sinh chỉ giúp tô son cho nhà trường, làm cho (thậm chí đánh lừa) phụ huynh và học sinh sướng nhưng cực kỳ NGUY HIỂM! 

Trong bối cảnh dịch bệnh này, tôi nghĩ, nhà trường hãy căn cứ vào kết quả đánh giá thường xuyên mà xét cho học sinh. Tổ chức thi cuối năm không giải quyết được gì thực chất đâu, chỉ khổ các em! Đó là chưa kể, trời cũng không biết khi nào thì dịch bệnh sẽ ổn định! 

Hãy rủ lòng thương cho học sinh những ngày hè đúng nghĩa!".

Tào Nga
Theo Dân Việt