Tại Tọa đàm "Làm rõ cách tính hóa đơn tiền điện" vừa được báo Vietnamnet tổ chức tại Hà Nội bà Tô Lan Phương, trưởng ban kinh doanh EVNHANOI cho biết, việc gộp hóa đơn tiền điện trong tháng 2/2024 tuân thủ đúng quy định về số lần ghi chỉ số công tơ trong tháng tại Điều 17 Nghị định 137/2013/NĐ-CP.
Gộp hóa đơn tiền điện tháng 2 là do quy định của Bộ Công Thương
Bà Phương cho rằng: Quy định chỉ ghi chỉ số một lần đối với khách hàng sinh hoạt theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Thông tư 09/2023/TT-BCT ngày 21/4/2023 của Bộ Công Thương: Mức sử dụng điện của từng bậc được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số công tơ đó.
"Trong tháng có thay đổi ngày ghi chỉ số, hóa đơn tiền điện được lập trên cơ sở điện năng tiêu thụ của khách hàng trong kỳ ghi chỉ số theo công thức tính toán quy định của cơ quan quản lý Nhà nước", bà Phương cho biết.
Bà Tô Lan Phương, trưởng ban Kinh doanh EVNHANOI
Theo bà Phương, tháng 2/2024 số ngày sử dụng điện thực tế được kéo dài thành từ 38-57 ngày mới trả tiền điện tùy theo thời điểm cuối cùng của kỳ ghi chỉ số tháng trước, tiền điện của quý khách hàng tháng này tăng cao hơn tháng trước là tương ứng với với số ngày thực tế của khách hàng và định mức của mỗi bậc thang cũng được điều chỉnh tương ứng chứ không bị dồn vào ở bậc thang ở mức cao.
Ông Đào Nhật Đình, chuyên gia năng lượng, Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho biết: Ban đầu tôi có bảng excel tiền điện của gia đình. Tôi thường có bản excel theo dõi giá điện hàng tháng. Ban đầu tôi lấy mẫu số là 31 ngày của tháng 1 và 29 ngày của tháng 2, mẫu số là 60 ngày tôi thấy con số giá khác, không thấy đúng hóa đơn, chỉ chênh vài nghìn.
Có người nói với tôi cần lấy ngày 7/1 (ngày tính điện nhà tôi) đến ngày 29/1, chia cho 62 rồi nhân với 30 thì ra được số kw/h được tính theo từng bậc. Sau khi tính, tôi nhận thấy cách tính đó rất đúng.
Thực tế, gần đây, người sử dụng điện liên tục yêu cầu ngành điện tách hóa đơn, cho rằng việc gộp 2 kỳ tính điện trong hóa đơn khiến khách hàng bị tính cộng tiền cao hơn. Bà Phương cho biết: EVNHANOI tuân thủ đúng quy định về số lần ghi chỉ số công tơ trong tháng tại Điều 17 Nghị định 137/2013/NĐ-CP, trong đó chỉ ghi chỉ số 01 (một) lần đối với khách hàng sinh hoạt do đó không thể tách thành 2 hóa đơn để phát hành và thu tiền như ý kiến của khách hàng.
Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, chúng ta cần làm rõ một số điểm.
Thứ nhất, các quy định do Bộ Công Thương ban hành và đưa ra các chỉ dẫn. Việc của EVN hay EVN Hà Nội hay bất kỳ tổng công ty điện lực nào thuộc EVN thực hiện theo các quy định đã được Bộ Công Thương ban hành, chứ không phải EVN có thể tự ý đưa ra một quy định nào đó, cách tính nào đó.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh
"Tôi cũng có lần trao đổi với Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực, và tôi cũng hỏi một câu tại sao hóa đơn các anh tính ghi điện của tôi tháng Giêng sao lại ghi hóa đơn tháng Hai, bên điện lực trả lời là liên quan tới câu chuyện về kế toán chứ không phải liên quan tới vấn đề thực tế tiêu thụ", ông Sơn nêu.
Theo ông này: "Chúng ta tiêu thụ điện trong tháng Giêng nhưng do việc xuất hóa đơn nhận lại tiền điện chi trả lại trong tháng 2 nên theo nguyên tắc kế toán là ghi tháng 2, điều này tạo nên sự nhầm lẫn không nhỏ trong của người tiêu dùng".
Ông Hà Đăng Sơn cho biết, việc EVN Hà Nội cũng như các tổng công ty điện lực khác điều chỉnh hiện nay cũng làm cho chúng ta minh bạch hoá, khớp lại chuẩn khung thời gian thay vì câu chuyện anh dùng tháng 1 xong xuất hóa đơn thu tiền vào tháng 2. Thay vì chúng ta dùng trong tháng 2 chỉ xuất hóa đơn trong tháng 2. Như thế về mặt kế toán chúng ta chuẩn hóa lại kế toán.