Chủ nhật, 06/10/2024 | 21:30
RSS

EVN xem xét xử lý kỷ luật cán bộ để 'hoá đơn tiền điện 6 tháng liền giống nhau'

Thứ hai, 29/06/2020, 07:39 (GMT+7)

Liên quan đến phản ánh “một hộ có hoá đơn tiền điện 6 tháng liền giống hệt nhau”, ngày 28/6, EVN Tiền Giang có văn bản phản hồi.

Văn bản do Giám đốc EVN Tiền Giang Lưu Thanh Nam ký, có nêu, sau khi VietNamNet phản ánh, công ty đã cử nhân viên đến tiếp xúc với khách hàng cũng như rà soát lại quá trình thực hiện việc ghi chỉ số công tơ của khách hàng này như báo phản ảnh.

EVN Tiền Giang giải thích nguyên nhân hóa đơn có mức tiêu thụ từ tháng 11/2019 - 4/2020 bằng nhau là do khách hàng đóng cửa nhà thường xuyên, công tơ lại lắp trong nhà, vì vậy có lúc nhân viên  liên hệ được để ghi số điện. Từ đó, đã ghi chỉ số với sản lượng tiêu thụ bằng tháng trước, cụ thể là lấy chỉ số  tháng 12/2019.

Công ty điện lực Tiền Giang khẳng định, sẽ chấn chỉnh những thiếu sót của nhân viên, cũng như tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ và chấn chỉnh bộ phận phụ trách với yêu cầu đảm bảo không để xảy ra những trường hợp tương tự.

Đồng thời xem xét xử lý kỷ luật lao động đối với những cá nhân đã vi phạm quy trình kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam dẫn đến xảy ra sai sót như trên.

EVN xem xét xử lý kỷ luật cán bộ để 'hoá đơn tiền điện 6 tháng liền giống nhau'
Hóa đơn tiền điện giống y hệt nhau. Ảnh: Vietnamnet

Về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM cho báo Thanh Niên biết rằng, với hóa đơn 6 tháng liên tiếp nhưng có cùng một chỉ số như khách hàng ở Tiền Giang phản ánh, có 2 nguyên nhân xảy ra. Hoặc do nhân viên ghi chỉ số bằng phương pháp thủ công, làm biếng, không đến tận nơi ghi, tự ý “cấy” số để… đỡ mệt.

Lý do thứ hai, có thể đường dây dẫn vào đồng hồ bị hỏng, không hoạt động một thời gian dài, chỉ số điện bị nghẽn ở mức 162 kWh, thiết bị đo có thể không quá thông minh để phát hiện bất thường, nên bấm thấy hiện số trên thì cứ lưu lại vậy. Tuy nhiên, với trường hợp thứ hai thì thể hiện tính quan liêu của nhân viên, bộ phận ra hóa đơn…

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho Thanh Niên hay giá điện đang được tính theo lũy tiến 6 bậc. Nếu cứ ghi kiểu “áng chừng” như vậy, đến cuối năm, khi nhân viên ghi chỉ số muốn ghi “nghiêm túc”, dồn lại, hóa đơn ghi chỉ số điện hộ gia đình tăng lên 700 - 800 kWh hoặc thậm chí 1.000 kWh, với cách tính tiền lũy kế, sẽ thiệt thòi rất lớn cho người dân.

Chẳng hạn, với mức 162 kWh, hộ gia đình chỉ đóng theo 3 bậc: 1.549 đồng/kWh (50 kWh đầu tiên), 1.600 đồng/kWh (50 kWh kế tiếp) và 1.858 đồng/kWh với 62 kWh còn lại. Có nghĩa là trong 6 tháng qua, nếu gia đình xài đến 200 kWh mỗi tháng, họ vẫn còn 38 kWh điện được đóng ở bậc 3 là 1.858 đồng/kWh. Đằng này, do ghi sai hoặc không ghi, gia đình mất cơ hội đóng hàng trăm kWh điện ở bậc 3, bị lũy tiến lên bậc 5, bậc 6 với mức giá 2.700 đồng/kWh…

Trước đó một bạn đọc ở ấp Mỹ Lợi, Nhị Mỹ, thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) phản ánh với VietNamNet về việc hoá tiền điện của gia đình người này nhiều tháng liền giống nhau, không sai một số. Đại diện hộ gia đình này phản ánh “hoá đơn tiền điện nhà tôi 6 tháng liền, điện lực chỉ ghi chỉ đúng một số tiền duy nhất. Khi phản ánh thì điện lực chỉ trả lời qua loa, không đến nhà kiểm tra hay xin lỗi...”.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN