Hóa đơn tiền điện tăng vọt
Gần đây, trên các hội nhóm trên mạng xã hội không ít bài viết với nội dung phản ánh về việc tiền điện sau Tết Nguyên đán tăng "chóng mặt" so với lần thanh toán trước đó.
Tiền điện tăng cao trong khi các thiết bị cũng như thời gian sử dụng không hề thay đổi quá nhiều; thời tiết lạnh giá mà hóa đơn tiền điện lại tăng cao hơn mùa hè khiến người dân không khỏi ngỡ ngàng.
Tài khoản N.H. đăng tải nội dung thắc mắc về tiền điện. Ảnh chụp màn hình.
"Tiền điện nhà mình, tháng 2/2024 (49 ngày, 12/1 đến 29/2) hết 1.019.992₫ (đồng-PV). Trong khi đó, 2 tháng gần nhất hết 1.177.0646. Như vậy, lần này, 49 ngày, tiền điện cao gần bằng dùng trong 2 tháng. Giá điện hiện nay đang tính theo bậc thang 4 mức, và việc thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ từ ngày 12 hàng tháng về cuối tháng (tháng 2/2024) khiến tháng này (t2) số điện ở bậc 4 (bậc cao nhất, 2729đ/kWh) nhiều hơn nhiều lần so với tháng trước. Đang yên lành giờ thay đổi ngày ghi chỉ số về cuối tháng, làm tăng số điện bậc 4 (giả cao nhất). Tiền mất nhiều hơn, điện dùng vẫn thế... Nhà các bác thế nào?", tài khoản N.H. viết.
Không chỉ có anh H., nhiều hộ dân khác cũng gặp phải trường hợp giá điện tăng cao do số điện tăng vì gộp tháng thanh toán, dẫn đến hệ số bậc thang tính cũng cao hơn.
Đơn cử như trường hợp khách hàng N.V.H. (Thanh Oai, Hà Nội). Trung bình một tháng, khách hàng này tiêu thụ trong khoảng 40-50 số điện và thường là tính theo đơn giá Bậc 1 (1.806 đồng/số).
Tiền điện của một hộ gia đình khác cũng tăng mạnh.
Tuy nhiên, kỳ hóa đơn tháng 2/2024 (54 ngày từ 7/1/2024 đến 29/2/2024), lượng điện tiêu thụ tăng lên 130 số do thời gian kéo dài và nhu cầu sử dụng tăng cao hơn trong dịp Tết Nguyên đán.
Điều này dẫn tới việc, khách hàng H. phải thanh toán 87 số theo đơn giá Bậc 1 và 43 số theo đơn giá Bậc 2 (1.866 đồng/số).
EVN Hà Nội nói gì?
Thực tế, trong lần thông báo hóa đơn tiền điện này, số ngày tính tiền điện là gần 2 tháng, thay vì chỉ 1 tháng như bình thường.
Nguyên nhân là vì, từ ngày 29/2/2024, EVN Hà Nội triển khai thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng. Do đó, số ngày tính tiền điện của đợt này tăng từ 30 ngày nâng lên thành 57 ngày (số tiền điện khách hàng phải trả cho cả tháng 1 và tháng 2).
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đã có văn bản chỉ đạo, thống nhất trên toàn địa bàn thành phố về việc thay đổi ghi chỉ số công tơ điện của EVN Hà Nội, bởi đây là việc làm cần thiết, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, giảm thiểu được những sai sót trong quá trình ghi chỉ số và thanh quyết toán hoá đơn cũng như đảm bảo công bằng cho toàn bộ khách hàng sử dụng điện.
Ngày 3/3, ông Lê Ánh Dương, Phó Tổng Giám đốc EVN Hà Nội cho biết, từ tháng 2/2024, đơn vị này triển khai thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ về ngày cuối tháng thay vì đầu tháng như trước đây.
Đối với những băn khoăn của người tiêu dùng về lượng điện tiêu thụ của khách hàng trong thời gian tăng thêm sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng khi tính giá điện sử dụng theo bậc thang, ông Lê Ánh Dương, Phó Tổng Giám đốc EVN Hà Nội cho biết, hóa đơn tiền điện cao nhưng quyền lợi của khách hàng sử dụng điện trên địa bàn TP vẫn được đảm bảo.
Theo ông Dương, mức sử dụng điện sinh hoạt của từng bậc cũng được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số.
Cụ thể, số kWh để hưởng giá điện bậc 1, bậc 2 sẽ từ 50kWh (theo quy định) được giãn rộng tới 92kWh; bậc 3, bậc 4 được giãn rộng từ 100 số lên 184 số.