Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:24
RSS

Google, Facebook, Apple có mở văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam?

Thứ hai, 13/11/2017, 10:14 (GMT+7)

Theo Bộ Tài chính, các nhà cung cấp dịch vụ Google, Facebook, Apple... cần thiết lập đầu mối như mở văn phòng đại diện (VPĐD) chính thức tại Việt Nam.

Bộ Tài chính đề xuất Bộ TT&TT cùng phối hợp đề nghị Google, Facebook, Apple... mở văn phòng đại diện, khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ cung cấp tại Việt Nam

Lý do là hiện nay nước ta chưa quản lý thuế được với loại hình kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT). Thứ nữa, hoạt động của mạng internet là giao dịch xuyên biên giới, các công ty vận hành mạng nước ngoài hầu hết không đăng ký kinh doanh và không có VPĐD chính thức tại Việt Nam, gây khó khăn trong việc quản lý thuế đối với các mạng này.

Từ thực tế này, Bộ Tài chính đề xuất một loạt giải pháp nhằm quản lý thu thuế đối với loại hình kinh doanh TMĐT tại Việt Nam đạt được hiệu quả.

 Google, Facebook, Apple
Bộ Tài chính đề nghị Facebook, Google mở văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam để quản lý thuế. Ảnh minh họa

Trong đó, Bộ Công thương và Bộ Thông tin Truyền thông cần kết nối và chia sẻ cung cấp những thông tin về các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT phải báo cáo theo quy định. Ngân hàng Nhà nước phối hợp nghiên cứu để thực hiện giải pháp về thanh toán.

Hiện Google và Facebook cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua hai phương thức: phương thức thông qua các đại lý tại Việt Nam thì chính các doanh nghiệp này sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam khi phát sinh doanh thu.

 Google, Facebook, Apple
Google, Facebook, Apple hiện cực kì phổ biến ở Việt Nam. Ảnh minh họa

Phương thức thứ hai là mua bán trực tuyến và thanh toán trực tuyến qua thẻ tài khoản tín dụng hoặc ví điện tử.

Trường hợp này chưa được quy định rõ, phía mua dịch vụ sẽ bị thiệt vì không có hoá đơn nên sẽ không được tính vào chi phí hợp lý, hoặc bên mua dịch vụ sẽ tự hợp thức hoá bằng cách mua hoá đơn của một dịch vụ khác.

Như vậy, khi thanh kiểm tra thuế cũng sẽ khó biết hết được giá trị thực của chi phí trả cho dịch vụ qua mạng (nhiều trường hợp cần đối chiếu thông tin từ nhiều nguồn và phải truy lần theo thông tin thanh toán thực tế).

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN