Facebook, Google có 'bỏ' Việt Nam vì quy định đặt máy chủ?
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, cho rằng một số quy định trong Dự thảo Luật an ninh mạng do Bộ Công an xây dựng chưa phù hợp về tính thống nhất với cam kết quốc tế của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.
Báo Tuổi trẻ dẫn theo quy định này cho hay tất cả các dịch vụ của nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam hiện nay như Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber... buộc phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại diện, có đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
Nếu quy định trong Dự thảo này được thông qua và trong trường hợp các doanh nghiệp lớn như Google, Facebook không tuân thủ, nhiều người cho rằng sẽ rất thiệt thòi cho sự phát triển của Internet nói riêng, kinh tế số Việt Nam nói chung, đặc biệt trong kỷ nguyên 4.0 hiện nay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Thanh Phi, chuyên gia marketing, cho rằng: "Nếu Việt Nam áp dụng luật này sẽ trở thành một rào cản, khiến người Việt không thể tiếp cận được những tiến bộ về mặt công nghệ truyền thông của thế giới".
Theo ông Phi, các quốc gia phát triển không quan tâm đến việc dữ liệu được đặt ở đâu bởi đây là kỷ nguyên của "đám mây" (Cloud), họ chỉ quan tâm dữ liệu sẽ được sử dụng như thế nào.
Bên cạnh việc quy định khó mang tính khả thi, việc đặt ra các điều kiện cho những đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung qua internet như trên đang được nhiều chuyên gia cho rằng là rào cản lớn trong phát triển kinh tế của Việt Nam.
Theo báo Thanh niên, ông Lê Hải Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho rằng quy định này không mang tính khả thi. Hiện tại, nhiều tập đoàn cung cấp các dịch vụ lớn mang tính toàn cầu như Google, Facebook, Amazon… đều có máy chủ tại bên ngoài như Mỹ, Singapore, Hồng Kông...
Nhưng họ không đặt cơ quan đại diện và cũng không đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng tại Việt Nam. Nếu có đặt máy chủ thì chỉ là một số máy chủ dự phòng tại các datacenter (trung tâm dữ liệu) lớn ở Việt Nam mà thôi.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena phân tích trên báo Thanh niên: Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông hay đường truyền Internet thì yêu cầu đặt máy chủ, văn phòng đại diện thì dễ hiểu.
Nhưng riêng đối với các công ty cung cấp dịch vụ nội dung như Google, Facebook thì quy định đặt máy chủ và văn phòng đại diện tại Việt Nam chưa hợp lý. Vì hiện nay, hoạt động mang tính xuyên biên giới của các doanh nghiệp đã diễn ra thường xuyên. Bản thân người dùng cũng không quan tâm doanh nghiệp đặt máy chủ ở đâu mà chỉ quan tâm đến nội dung cung cấp có thật sự cần thiết hay không.
“Tôi nghĩ bản thân cơ quan soạn luật có vẻ lo lắng về vấn đề kiểm soát nội dung thông tin. Tuy nhiên trong thời đại công nghiệp số, lưu trữ bằng điện toán đám mây thì quy định đó là đẩy cái khó cho doanh nghiệp.
Thay vào đó cơ quan quản lý cần có sự mở rộng hợp tác điều tra quốc tế để cần thiết có biện pháp cụ thể thì phù hợp hơn. Bởi không thể theo tư duy cái nào không quản được thì cấm.
Đó sẽ là kiểu quy định ngăn sông cấm chợ, hạn chế cơ hội kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, cơ hội sáng tạo của các bạn trẻ trong khi chính phủ đang muốn khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trên cả nước”, ông Võ Đỗ Thắng chia sẻ thêm.
Theo một số chuyên gia chia sẻ trên báo Dân trí, nếu các quy định trên được áp dụng, các nhà cung cấp dịch vụ như Google (gmail, Drive, Google Plus, Youtube...), Facebook, Yahoo (yahoo mail), Skype, Viber... đều sẽ phải đầu tư hệ thống máy chủ khổng lồ tại Việt Nam mới có thể được kinh doanh.
Một số nhà cung cấp dịch vụ cho biết, khả năng cao là họ thà bỏ thị trường Việt Nam chứ không chấp nhận đặt máy chủ tại Việt Nam. Lúc đó Việt Nam có thể sẽ không còn Gmail, Facebook, Youtube..