Gói cứu trợ khủng đang được kỳ vọng phục hồi nền kinh tế Mỹ. Nguồn: Getty Images.
Đạo luật lịch sử
Ngày 11/3 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Luật Cứu trợ covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, đánh dấu một thành tựu lập pháp quan trọng đối với vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.
Tổng thống Biden, người đã ký ban hành luật cùng với Phó Tổng thống Kamala Harris tại Phòng Bầu dục - mô tả gói cứu trợ này là đạo luật lịch sử nhằm “xây dựng lại sức mạnh của đất nước” sau đại dịch Covid-19.
Ông Biden nhấn mạnh: “Trong những tuần diễn ra thảo luận và tranh luận về dự luật này, rõ ràng là một tỷ lệ phần trăm lớn người dân Mỹ đã ủng hộ mạnh mẽ Kế hoạch Giải cứu Mỹ. Tiếng nói của người dân đã được lắng nghe”.
Đây cũng là Luật cứu trợ lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ sau đạo luật CARES hai nghìn tỷ USD năm ngoái, gồm 1.400 tỷ USD phân phối cho hầu hết người Mỹ, 350 tỷ USD cho các chính quyền bang, địa phương và 130 tỷ USD cho các trường học. Luật cũng sẽ cung cấp 49 tỷ USD để mở rộng xét nghiệm, truy vết và nghiên cứu Covid-19, cũng như 14 tỷ USD để phân phối vaccine
Kỳ vọng cho nền kinh tế Mỹ
Dù vẫn còn nhiều tranh cãi giữa phe Dân chủ và Cộng hòa xung quanh Đạo luật mới được thông qua, song theo các chuyên gia kinh tế hàng đầu, GDP của Mỹ sẽ tăng vọt khi gói cứu trợ được triển khai.
Theo cuộc khảo sát tháng mới nhất do Bloomberg thực hiện, tốc độ tăng trưởng trong quý 1/2021 của kinh tế Mỹ sẽ đạt 4,8%, gấp đôi so với dự đoán của những nhà kinh tế dự báo hai tháng trước. Trong cả năm, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến sẽ tăng 5,5%, mức cao nhất kể từ năm 1984 và cao hơn so với ước tính của tháng Một là 4,1%.
Theo ông Stephen Stanley, nhà kinh tế trưởng của Amherst Pierpont Securities LLC, khoản tiền trợ cấp trị giá 1.400 USD cho người dân Mỹ, cùng với các khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung và tốc độ tiêm chủng được thúc đẩy nhanh chóng sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế trong suốt cả năm.
Việc nới lỏng các hạn chế giãn cách xã hội cũng như tăng cường tiêm chủng sẽ kích thích chi tiêu của người tiêu dùng và đây chính là động lực kinh tế quan trọng trong năm nay.
Các báo cáo gần đây đã cho thấy nền kinh tế Mỹ cải thiện trên diện rộng khi doanh số bán lẻ trong tháng 1/2021 tăng mạnh nhất trong bảy tháng qua và sản xuất của Mỹ đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 3 năm vào tháng 2/2021. Thị trường lao động, vốn phục hồi chậm hơn, đã cho thấy mức tăng việc làm cao hơn dự kiến trong tháng Hai, mặc dù số người có việc làm vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch.
Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng hàng ngày đã tăng gấp bốn lần và các ca nhiễm Covid-19 mới đã giảm mạnh kể từ đầu tháng Giêng. Bà Heather Boushey, thành viên của Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, cho rằng kiểm soát đại dịch vẫn là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế.
Phản bác quan điểm cho rằng dự luật cứu trợ Covid-19 mới có thể gây ra lạm phát và là quá lớn để nền kinh tế có thể hấp thụ mà không bị phát triển quá nóng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố, gói cứu trợ là cần thiết để vực dậy nền kinh tế trở lại như trước khi đại dịch xảy ra. Trong trường hợp nó gây ra lạm phát thì sẽ có những công cụ để giải quyết và vấn đề đó sẽ được giám sát chặt chẽ.
Ông Janet Yellen khẳng định, dù gói hỗ trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD vẫn là vấn đề gây tranh cãi, nhưng chắc chắn sẽ “được lòng dân” trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Thay đổi lớn về an sinh xã hội
Bên cạnh niềm hy vọng lớn để khôi phục nền kinh tế, việc Tổng thống Biden ký ban hành Luật Cứu trợ Covid-19 sẽ đánh dấu sự chuyển đổi lớn trong chính sách an sinh xã hội của nước Mỹ, với mục tiêu cắt giảm 50% tỷ lệ nghèo đói ở trẻ em.
Theo bà Olivia Golden, Giám đốc điều hành Trung tâm Luật pháp và chính sách xã hội, gói cứu trợ có tên “Kế hoạch giải cứu Mỹ” thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách xã hội ở Mỹ.
Điểm đáng chú ý nhất của Kế hoạch là khoản trợ cấp 1.400 USD cho mỗi người dân để khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và gia hạn trợ cấp thất nghiệp đến tháng 9 tới. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định sự điều chỉnh về Tín dụng thuế trẻ em (Child Tax Credit) có ý nghĩa hơn cả khi dự luật này mang đến sự thay đổi lớn có lợi cho các gia đình thu nhập thấp.
Trung tâm Ngân sách và ưu tiên chính sách - một tổ chức nghiên cứu độc lập - cho rằng, sự cải tổ ở mục này sẽ giúp toàn bộ trẻ em nước Mỹ, trừ những trẻ trong các gia đình có mức thu nhập cao nhất, được hưởng tín dụng. Luật của Mỹ hiện nay quy định, gia đình có trẻ em dưới 5 tuổi được hưởng mức tín dụng 3.600 USD/trẻ và mức này đối với gia đình có trẻ từ 6 đến 17 tuổi là 3.000 USD/trẻ. Mức áp dụng trước đây là 2.000 USD.
Giáo sư Zachary Parolin thuộc Trung tâm Chính sách xã hội và nghèo đói, Đại học Columbia, nhận định, nếu được triển khai đầy đủ trong năm nay, gói kích thích kinh tế của Tổng thống Biden có thể giúp giảm hơn 50% tỷ lệ nghèo đói ở trẻ em.
Bà Golden cho rằng, nhiệm vụ tiếp theo trong việc cải thiện chính sách an sinh xã hội Mỹ là “bổ sung những điều quan trọng còn thiếu, như nghỉ phép có lương”.
Trong khi đó, Giáo sư Bradley Hardy thuộc Đại học American cho rằng chính phủ cần coi các biện pháp là sự đầu tư cho tương lai. Ông chỉ rõ có bằng chứng khoa học xã hội cho thấy trẻ được tiếp cận các nguồn lực kinh tế trong thời thơ ấu sẽ tạo được nhiều thành quả về kinh tế - xã hội trong dài hạn.
Trong bài phát biểu vào “khung giờ vàng” đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ tối 11/3 (theo giờ Washington), ông Joe Biden thừa nhận “cuộc chiến còn lâu mới kết thúc” trong bối cảnh nước Mỹ đã có hơn 530.000 người Mỹ tử vong vì Covid-19 sau 12 tháng căn bệnh này được công bố là đại dịch. Tuy nhiên, ông Biden cho rằng, người dân nước này có thể sẽ được kỷ niệm ngày quốc khánh 4/7 tới trong điều kiện “gần như bình thường” nếu đoàn kết thực hiện các biện pháp ngăn ngừa Covid-19 lây lan và tiêm vaccine. |