Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:10
RSS

Covid-19: Nơi nới lỏng, nơi siết chặt

Thứ tư, 10/03/2021, 08:20 (GMT+7)

Kết quả của cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 chưa bao giờ là dễ đoán bởi luôn có những diễn biến khó lường của dịch bệnh đi kèm sự chênh lệch về khả năng chống dịch giữa các nước.

Sự kiện:
Covid-19

Khi thế giới ghi nhận gần 118 triệu người nhiễm và hơn 2,6 triệu người chết do Covid-19, Mỹ bắt đầu nới lỏng quy định giãn cách, trong khi một số nước lại có những chính sách siết chặt hơn.


Người dân Mỹ xếp hàng chờ vaccine tại Trung tâm Hội nghị Jacob Javits, New York. Ảnh: New York Times.

Từng bước nới lỏng

Ngày 8/3, tại Mỹ - vùng dịch lớn nhất thế giới - Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết, những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 có thể gặp gỡ nhau trong nhà mà không cần đeo khẩu trang. Tuy nhiên, họ vẫn phải tiếp tục đeo khẩu trang ở nơi công cộng và tránh nơi có đông người tụ tập, chưa được tiêm phòng hay có nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh đưa ra bản hướng dẫn được chờ đợi từ lâu, về những gì mà người đã được tiêm phòng có thể hành xử an toàn, khi số người Mỹ được tiêm chủng ngày càng cao.

Theo đó, hai tuần sau khi được tiêm liều sau cùng loại vaccine cần hai liều như của Moderna và Pfizer, hoặc sau khi tiêm loại chỉ cần một liều của Johnson & Johnson, những người này coi như hoàn toàn được phòng bệnh. Do vậy, họ có thể gặp gỡ trong nhà với những người khác cũng đã hoàn tất tiêm phòng, mà không phải đeo khẩu trang hay giữ khoảng cách an toàn.

CDC Mỹ cũng cho biết, các cuộc tụ tập như trên có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thấp. Những người đã được tiêm phòng đầy đủ cũng có thể gặp những người khác, tuy chưa tiêm phòng nhưng trong cùng gia đình và ít có nguy cơ lây nhiễm, mà không cần đeo khẩu trang hay giữ khoảng cách.

Dù sau một năm chiến đấu với đại dịch Covid-19, Mỹ đã đạt được một cột mốc tích cực khi số người được tiêm chủng đủ liều đã cao hơn số người mắc bệnh.Tuy nhiên, CDC ước tính, đến nay mới có khoảng 10% dân số Mỹ hoàn tất việc tiêm phòng nên đề nghị những người này có các biện pháp đề phòng để chặn dịch bệnh lây lan, nhất là trong bối cảnh xuất hiện các biến thể virus mới.

Tuy vậy, phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày của Nhóm ứng phó với Covid-19 của Nhà Trắng, Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc CDC Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng những khuyến cáo mới này là bước đầu quan trọng trong nỗ lực tái lập cuộc sống bình thường hàng ngày trong các cộng đồng của chúng ta.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang ở giữa một đại dịch nghiêm trọng và vẫn còn hơn 90% dân số chưa được tiêm chủng đầy đủ. Do đó, tất cả mọi người, dù đã tiêm phòng hay chưa, nên tiếp tục tránh tụ tập quy mô vừa và lớn, cũng như việc đi lại không cần thiết. Đồng thời, khi ở trong không gian công cộng nên tiếp tục đeo khẩu trang vừa vặn, duy trì khoảng cách về thể chất và tuân theo các biện pháp y tế công cộng khác để bảo vệ bản thân và người khác”.

Tiến sĩ Walensky cũng nói rằng, mỗi lần có sự gia tăng về lượng người đi du lịch, điều đó đồng nghĩa với việc lại chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm bệnh mới tại Mỹ. Hiện có nhiều biến thể virus được phát hiện tại Mỹ có nguồn gốc từ các nơi khác trên thế giới và những nơi có nhiều du khách tới thăm là nơi dễ lây nhiễm nhất. Do vậy, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ một lần nữa kêu gọi người dân chưa nên đi du lịch vào thời điểm này.

Quay lại siết chặt

Ngày 8/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo EU có thể có thêm những biện pháp cứng rắn liên quan đến việc cấm xuất khẩu vaccine phòng Covid-19 sau khi Italy chặn lô hàng vận chuyển vaccine tới Australia hồi tuần trước.

Trả lời phỏng vấn Tạp chí Tuần Kinh tế (WIWO) của Đức, Chủ tịch EC von der Leyen đã lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích Hãng dược phẩm AstraZeneca, đồng thời bảo vệ cho lệnh cấm xuất khẩu vaccine của EU.

Theo bà Leyen, do AstraZeneca chậm tiến độ giao hàng nên hồi tháng 1/2021, EC đã thông qua cơ chế xuất khẩu minh bạch, theo đó, các công ty phải đăng ký xuất khẩu vaccine sang các nước thứ 3 và phải được các quốc gia thành viên chấp thuận cùng với sự tham vấn EU.

Trong khi đó, ngay trong đêm 8/3, Thủ tướng Chính phủ hoàng gia Campuchia Hun Sen đã ra thông điệp khẩn kêu gọi tất cả các cơ quan, tổ chức của Nhà nước và tư nhân tạm dừng mọi hoạt động tập trung không cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo Thủ tướng Hun Sen, chỉ trong ngày 8/3, nước này đã phát hiện thêm 49 trường hợp bị Covid-19 tại thủ đô Phnom Penh, tỉnh Preah Sihanouk, tỉnh Prey Veng và tỉnh Kandal. Thủ tướng cũng khẳng định, dịch bệnh Covid-19 đã lây đến đội ngũ các cán bộ cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang và cả các nghệ sỹ.

Thủ tướng Hun Sen đã ra lệnh cho tất cả các cơ quan nhà nước tạm dừng mọi hoạt động, chỉ giữ số người tối thiểu để duy trì hoạt động của cơ quan. Đối với các cơ quan, tổ chức cá nhân, Thủ tướng Hun Sen yêu cầu cắt giảm tối đa nhân viên tại nơi làm việc. Đặc biệt, Thủ tướng Campuchia kêu gọi mọi người dân không nên ra khỏi nhà nếu không có việc quan trọng và tạm dừng mọi hoạt động không cần thiết.

Cũng ngay trong đêm 8/3, Bộ Giáo dục-Thanh niên và thể thao Campuchia cũng ra quyết định đóng cửa tất cả các trường học và trung tâm đào tạo tại huyện Peam Ro, tỉnh Prey Veng (tỉnh tiếp giáp với biên giới Việt Nam) nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.

Cùng với đó, nhằm ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài, Chính phủ Lào vừa ban hành nghị định mới nâng mức phạt bằng tiền kèm các hình thức xử lý khác theo pháp luật đối với người có hành vi nhập cảnh trái phép vào Lào.

Đây được xem là một phần của các biện pháp thắt chặt nhập cảnh khi Lào phải đối mặt với nguy cơ lây lan dịch Covid-19 từ các nước láng giềng. Theo Nghị định này, người nhập cảnh trái phép vào Lào sẽ bị phạt 2 triệu kip (tương đương 5 triệu đồng) cho lần vi phạm đầu tiên. Mức phạt sẽ tăng lên 3 triệu kip cho lần thứ hai; 5 triệu kip cho lần thứ ba và phải đối mặt với các biện pháp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Ngoài phạt tiền, người nước ngoài và cá nhân không có quốc tịch sẽ bị trục xuất và không được phép nhập cảnh vào Lào. Nghị định cũng cảnh báo rằng, cá nhân nào hỗ trợ người khác nhập cảnh hoặc xuất cảnh bất hợp pháp tại Lào sẽ bị phạt tiền và đối mặt với các hình phạt khác.

Ngày 9/3, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Indonesia thông báo, nước này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Thông báo trên được đưa ra sau khi nước này tiếp nhận hơn 1 triệu liều vaccine của AstraZeneca thông qua cơ chế phân phối vaccine toàn cầu dành cho những nước có thu nhập thấp và trung bình COVAX.

 

HÀ ANH
Theo Đại Đoàn Kết