Thứ năm, 21/11/2024 | 11:24
RSS

Giới trẻ thích sử dụng TikTok để tiếp nhận tin tức hơn các kênh báo chí truyền thống

Thứ tư, 14/06/2023, 18:17 (GMT+7)

Viện Báo chí Reuters và Đại học Oxford, đã công bố nghiên cứu, báo cáo mới cho thấy giới trẻ ngày càng thích truy cập tin tức thông qua mạng xã hội như TikTok hơn là các kênh báo chí truyền thống.

Sự kiện:
Tiktok

TikTok ngày càng được giới trẻ sử dụng để tiếp nhận tin tức

Giới trẻ ngày càng chỉ còn xem TikTok như một kênh tiếp nhận tin tức Ảnh: Internet

Theo báo cáo, TikTok đang là mạng xã hội phát triển nhanh nhất, được 20% thanh niên từ 18 đến 24 tuổi sử dụng để xem tin tức, tăng 5% so với năm ngoái. Chưa đến một nửa số người tham gia khảo sát bày tỏ sự quan tâm nhiều đến tin tức truyền thống, giảm mạnh so với tỷ lệ 6/10 vào năm 2017.

Giám đốc Viện Reuters Rasmus Nielsen đã thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến với khoảng 94.000 ở 46 quốc gia và khu vực khác nhau. Qua khảo sát giám đốc cho biết không có cơ sở nào để cho rằng những người sinh vào những năm 2000 sẽ thích các trang web kiểu cũ, hay việc xem TV và đọc báo in.

Cũng theo khảo sát, mọi người vẫn có xu hướng thích tin tức của họ được chọn bởi các thuật toán trên mạng xã hội và các trang tìm kiếm hơn là bởi các biên tập viên hoặc nhà báo.

Vào thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch COVID, niềm tin vào tin tức đã giảm 2% trong năm ngoái, đảo ngược mức tăng đạt được ở nhiều quốc gia. Trung bình, chỉ 40% số người nói rằng họ tin tưởng vào hầu hết các tin tức. Mỹ đã chứng kiến sự gia tăng niềm tin vào tin tức, lên 32%, nhưng vẫn thuộc nhóm thấp nhất trong cuộc khảo sát.

Trên khắp các thị trường khảo sát, 56% người nói rằng họ gặp vấn đề trong việc xác định giữa tin thật và tin giả trên internet, tăng 2% so với năm ngoái. Cuộc khảo sát cũng cho thấy 48% người nói rằng họ rất quan tâm đến tin tức, giảm từ 63% vào năm 2017.

TikTok ngày càng được giới trẻ sử dụng so với các kênh báo chí truyền thống

TikTok có nhiều mặt trái, cần nhận biết, tránh thông tin xuyên tạc. Ảnh: Internet

Trao đổi với Báo VTC News, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trước đây nền tảng này có nội dung thuần túy về giải trí Tuy nhiên từ năm 2022 trở lại đây, trên TikTok xuất hiện nhiều nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.

Theo ông Do, nền tảng xã hội này còn tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội hay khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Dững - giảng viên cao cấp tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, những người quản trị quốc gia, những người có sự hiểu biết và tầm nhìn văn hoá - chính trị thì mới thấy được mục đích xấu, độc của mạng xã hội này là nhằm sai khiến giới trẻ vì mục đích chính trị, văn hoá của nó để từng bước xâm lăng văn hoá, xâm lăng chính trị và dễ dẫn đến thao túng không gian mạng quốc gia,...

Độc của TikTok rất khó cảm nhận bởi nó không thể hiện ra ngay mà cần có sự phân tích về các tầng nấc văn hoá, tầng nấc giá trị mới thấy được tác hại của nó về lâu dài. Giống như tác hại của các hoá chất độc hại trong thực phẩm, người dùng không lăn đùng ra chết ngay, mà ngấm dần và phát sinh bệnh tật, dẫn đến huỷ hoại dần nguồn nhân lực quốc gia.

Huy (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại