Đầu tháng 4, trên mạng xã hội xôn xao thông tin về việc có đầu số lạ, hiển thị tên FlashAI, chiếm đoạt tài sản người dân bằng công nghệ cao.
Cụ thể tài khoản Facebook tên P.M.Tuấn đăng bài lên trang cá nhân về sự việc: “Số này gọi đến, ta chỉ cần bấm nhận cuộc gọi là mất hết tiền trong tài khoản vì nó là trí tuệ nhân tạo, có khả năng lục tìm mọi bí mật trong điện thoại của ta, mà nó tập trung tìm trong app banking, lấy mật khẩu để chuyển hết tiền từ tài khoản ngân hàng của ta qua tài khoản của bọn hackers. Xin vui lòng cảnh báo người thân, đợi nó tắt chuông rồi chặn số luôn.”
Tin sai sự thật về đầu số FlashAI được lan truyền trên mạng xã hội Việt Nam Ảnh: VOV
Cũng có tin đồn rằng nếu bấm gọi lại số thuê bao Flash AI, toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng sẽ bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, người đăng tải, chia sẻ những video nói trên đều không có bằng chứng cụ thể về việc bị mất tiền do cuộc gọi.
Trao đổi với VOV, chuyên gia công nghệ Ngô Minh Hiếu cho biết: “Bạn chỉ bị mất tiền qua cuộc gọi điện thoại khi thực hiện thao tác hướng dẫn của cuộc gọi. Ví dụ bấm phím 1, phím 2... thì có thể sẽ bị mất tiền cước viễn thông; Bị cuộc gọi dẫn dụ vào đường link lừa đảo, hoặc tải file có nguy cơ đánh cắp thông tin; Bị dẫn dụ đầu tư tài chính hoặc thực hiện lệnh chuyển tiền theo hướng dẫn của cuộc gọi…”
Đồng quan điểm trên, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Công Nghệ công ty An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS), khẳng định trên tạp chí tri thức trực tuyến Zingnews chưa ghi nhận được thông tin về giải pháp công nghệ cao, xâm nhập vào di động của người dùng qua cuộc gọi tại Việt Nam.
Về đầu số Flash AI, ông Vũ Ngọc Sơn cho biết đây là dạng brand name (tên thương hiệu) được đăng ký với nhà mạng. Ngoài ra, kẻ gian có thể sử dụng các trạm BTS, giả mạo đầu số doanh nghiệp. “Tuy nhiên, các máy BTS bị phát hiện tại Việt Nam chỉ để gửi tin nhắn, chưa làm giả được số điện thoại”, ông Sơn cho biết.
Các chuyên gia công nghệ thông tin lan truyền trên mạng xã hội về FlashAI là không đúng sự thật. Ảnh: VOV
Từ thông tin trên, chuyên gia cảnh báo người dùng Internet nên có bộ lọc để xác minh thông tin được lan truyền, đặc biệt là các chia sẻ về lừa đảo. Chuyên gia cũng khuyến cáo, tuyệt đối khi nhận những cuộc gọi này không nên bắt máy bởi tốn thời gian, tránh bị dẫn dụ bởi những đòn tâm lý của kẻ lừa đảo.