GS Phạm Gia Khải, Nguyên Viện trưởng Viện tim mạch Quốc gia
Liên quan đến vụ VN Pharma làm giả giấy tờ để nhập thuốc chữa ung thư, cùng những tranh luận về thuốc giả, thuốc thật, thuốc nhập lậu và thuốc kém chất lượng, GS.TS Phạm Gia Khải cho biết: Nếu đã là thuốc thì giấy tờ phải hợp lệ. Nếu thuốc thật thì làm sao phải làm giấy tờ giả?
Có những thuốc lý luận tốt nhưng tương đương về lâm sàng không có. Lâm sàng là thước đo cuối cùng.
Là thuốc giả và buôn bán thuốc giả!
-Vụ án công ty VN Pharma nhập thuốc chữa ung thư kém chất lượng, ông có theo dõi không? Là một thầy thuốc, ông có suy nghĩ gì trước vụ việc này?
Tôi không tham dự phiên tòa mà chỉ được thông tin qua báo chí.
Anh Raymundo giới thiệu thuốc cho công ty Pharma, nhưng đến bây giờ công ty không biết anh là người nước nào; người không biết ở đâu, dấu thì là dấu giả. Giấy tờ giả mà lại còn thuê một dược sỹ làm thì tôi thấy là có tội.
Nhưng hành vi của bị cáo Nguyễn Minh Hùng (Tổng giám đốc công ty VN Pharma) được gọi là buôn lậu là không đúng. Buôn lậu nghĩa là có thuốc đó thật, nhưng anh trốn thuế. Còn ở đây anh giả cả giấy tờ, cả con dấu nữa.
Bán thuốc mà không có tác dụng điều trị, đó là tội ác.
-Nghĩa là theo ông, H-Capital là thuốc giả?
Đúng. Bởi vì, thứ nhất xuất xứ công ty đó không phải ở Canada (giả); thứ hai là giấy tờ giả, con dấu giả; thứ 3, thuốc đó không được dùng cho người.
-Nhưng kết quả mẫu giám định của Bộ Y tế cho thấy xét trong thuốc H-Capita 500mg Caplet chứa 97% hoạt chất capecitabine, trong khi một số thuốc điều trị ung thư hiện nay cũng có hoạt chất capecitabine...
Tuy tôi đã về hưu nhưng tôi có tham gia những hội đồng chuyên môn, có duyệt một số thuốc chữa ung thư.
Nhưng các thuốc đó của những công ty chính thức, có trụ sở rõ ràng, có thử nghiệm lâm sàng.
Có 4 giai đoạn thử nghiệm. Đó là:
1.Giai đoạn trong phòng thí nghiệm
2. Ở phòng thí nghiệm nhưng trên con vật.
3. Thử nghiệm trên một số người xung phong tình nguyện
4. Áp dụng trên lâm sàng
Phải qua 4 giai đoạn đó, thuốc mới được đưa ra thị trường. Trước đó phải đưa qua cơ quan giám sát về Dược (bên Mỹ là FDA), được cơ quan giám sát về Dược chấp thuận thì mới được đưa ra lưu hành.
Khi đưa ra lưu hành, trên nhãn thuốc đó phải nói rõ các chỉ định, liều... thì các thầy thuốc mới được phép dùng và các công ty môi giới ở Việt Nam mới có quyền nhập về.
Không phải cứ có hoạt chất là có tác dụng điều trị bệnh
-Như vậy nghĩa là: không phải cứ có đúng hoạt chất là có tác dụng điều trị bệnh, thưa ông?Tôi thấy nhiều người cho rằng H-Capita chỉ là không có giấy tờ chuẩn, chứ có hoạt chất như vậy thì chỉ là thuốc kém chất lượng.
Ai chứng minh thuốc đó dùng được cho người không? Có công văn nào nói thuốc H-Capita 500mg Caplet được dùng cho người?
Nếu thuốc dùng được cho người thì người ta có quyền thử, nhưng phải qua 4 giai đoạn như tôi đã nói. Qua 4 giai đoạn thì thuốc đó mới được công nhận.
Cơ chế của ung thư ta chưa biết hết. Trong y học, không được phép lý luận và suy đoán. Y học dựa trên bằng chứng.
Tôi nghe nói thuốc gốc ra đời phải qua kiểm nghiệm và nó rất đắt. Sau đó 20 năm nó hết bản quyền và các công ty khác được quyền nghiên cứu hoạt chất đó để cho ra loại thuốc khác. Công ty sau chỉ thử nghiệm một giai đoạn nào đó trong chu trình, nên thuốc ra đời sau rẻ hơn. Có thể thuốc của Pharma nằm trong nhóm thuốc ấy mặc dù nó không có nguồn gốc xuất xứ...
Nhưng theo tôi được biết nó chưa được thử ở đâu cả.
Tôi kể chuyện này: Một công ty nổi tiếng là Boehringer Ingelheim của Đức tiến hành thử nghiệm lâm sàng chứng minh Telnisantan (biệt dược Micardis) cộng với Ramipril (tên một loại thuốc ức chế men chuyển) thì cho kết quả hạ huyết áp tốt.
Thế nhưng trên thực nghiệm, làm trên hàng trăm người, người ta thấy rằng nó không phải như vậy. Những người suy thận, kali cao thì dùng như vậy nguy hiểm.
Và cuối cùng chỉ công nhận được: Telnisantan và Ramiprinl giá trị như nhau nhưng dùng riêng rẽ, không nên dùng phối hợp.
Mình nghĩ rằng tốt, nhưng trên thực tế nó không tốt như vậy. Thực tế lâm sàng khác với suy luận của mình. Một công ty nổi tiếng và được thế giới công nhận mà còn như vậy. Trong y học không có suy luận.
Trở lại công ty VN Pharma, tôi thấy dấu giả, giấy giả, công ty cũng giả nốt, nếu thuốc vẫn tốt, vậy thì cần gì dấu với giấy tờ nữa, cứ nhập thuốc thôi!
Công ty VN Pharma nhỏ hay không nhỏ?
Bộ trưởng Bộ Y tế nói VN Pharma là một công ty nhỏ...
Bà Bộ trưởng bảo công ty nhỏ, nhưng tôi cho rằng nó không nhỏ. Công ty to hay nhỏ là ở tầm quan trọng của nó.
Nơi xuất phát có thể nhỏ, nhưng anh trúng thầu ở nhiều bệnh viện thì không phải công ty nhỏ nữa.
Cựu Tổng giám đốc VN Pharma xác nhận: Em chồng bà Tiến là phó giám đốc phụ trách đầu tư của VN Pharma. Nhưng theo đại diện Bộ Y tế, theo quy định thì khi làm ở vị trí này (Bộ trưởng), chỉ có vợ, chồng, con, bố mẹ không được tham gia kinh doanh trong lĩnh vực phụ trách, chứ không quy định em...
Có thể trong lý lịch không cần khai đến em chồng, nhưng rõ ràng em chồng là người nhà, không phải người dưng. Nếu là người dưng thì em chồng gọi chị dâu bằng gì? Tôi thấy quy định này không ổn. Em chồng không thể là người dưng được.
Bác sĩ nhận hoa hồng
-Suy nghĩ của ông trước việc bác sĩ nhận hoa hồng?
Đây, tôi vừa nhận mấy thứ này (tờ rơi quảng cáo thuốc - pv). Họ đưa tôi không có điều kiện gì hết. Tốt thì tôi dùng, không tốt thì tôi không dùng.
-Làm sao để đánh giá đó là thuốc tốt hay không tốt, thưa ông?
Trước tiên phải là thuốc được bệnh viện đồng ý cho sử dụng, tức là thuốc đó đã được thử nghiệm. Thứ hai, khi dùng cho bệnh nhân, tôi theo dõi xem họ có đáp ứng dễ chịu không.
Ví dụ, người thiếu máu, dùng thuốc thấy dễ chịu, thử máu thấy hồng cầu tăng, chức năng gan không sao cả... thì là tốt. Nếu sau dùng thuốc mà hồng cầu không lên, chức năng gan, chức năng thận tồi đi thì không được. Đấy là cách ứng xử của người lâm sàng.
Nếu bác sĩ nhận hoa hồng rồi ghi đơn thuốc mà không biết kết quả như thế nào thì không được.
Bác sĩ kê đơn thuốc theo hoa hồng có phải là không có y đức?
Luật ở ta không cấm bác sĩ nhận hoa hồng.
Nhưng những bác sĩ kê đơn thuốc theo hoa hồng, không cần biết bệnh nhân ra sao là lương tâm đã bị tiền mua. Nhưng không phải họ bị mua hoàn toàn, mà chỉ là mua được phần nào thôi. Vì con người ta phức tạp lắm, cũng có dằn vặt lương tâm, trong một lúc nào đó yếu lòng mà như thế.
Bản thân tôi cũng có lúc đấu tranh với bản thân vì quyền lợi con người ai chả thích.
Gia đình tôi có 3 người mất vì ung thư
Vụ việc VN Pharma liên quan đến thuốc chữa ung thư nên khiến nhiều người, đặc biệt là bệnh nhân ung thư hoặc có người thân bị ung thư căm phẫn...
Chữa ung thư mất nhiều tiền lắm.
Gia đình tôi có ba người mất vì ung thư, đó là 2 em gái tôi và mẹ tôi. Vì vậy tôi rất hiểu tâm lý và những nỗi lo lắng của những người có người thân bị ung thư.
Chỉ cần cứu sống để người thân thêm một ngày ở với gia đình, chúng tôi cũng muốn.
-Ông đã bao giờ gặp trường hợp dùng thuốc không đạt chất lượng mà ảnh hưởng đến kết quả điều trị?
Có chứ. Bản thân tôi có những khi thuốc trước dùng không sao, nhưng giờ dùng không có hiệu quả. Nhưng thường đó không phải là thuốc gốc. Bởi thuốc không chỉ có thành phần chính mà còn phải có tá dược đi kèm. Mà sản xuất thuốc với tá dược đi kèm là một một kỹ thuật rất phức tạp.
Tôi hay bị mang tiếng vì kê đơn thuốc chính hãng đắt tiền, nhưng đó là những thuốc tôi tin phần nào.
-Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi
"Người ta cần có sự thông minh của trái tim. Nếu người làm quản lý biết thương bệnh nhân thì mọi việc dễ dàng hơn nhiều. Tôi thấy thời chiến tranh phá hoại, trái tim người thầy thuốc tốt hơn nhiều. Nhưng giờ chúng ta giàu hơn mà trái tim không bằng. Tôi nói thế không phải những người bây giờ vứt đi cả. Nhiều người rất tốt. Nhưng có người một cơn gió thổi qua cũng đổ. Tôi không nói lãnh đạo Bộ y tế hay ngành Dược vứt đi cả. Nhưng vụ việc này quả thực là một câu hỏi lớn đặt ra đối với lương tâm người thầy thuốc" - GS Phạm Gia Khải. |
Điều trị ung thư bằng liệu pháp tế bào miễn dịch. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe