Thứ năm, 28/03/2024 | 12:25
RSS

Gia tăng trẻ mắc viêm phổi nặng do virus RVS

Thứ sáu, 01/09/2017, 10:04 (GMT+7)

Do mắc viêm phổi nặng bởi virus RVS, có 60 trẻ phải điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh (Bệnh viện Nhi Trung ương).

Viêm phổi

Tăng đột biến trẻ sơ sinh mắc viêm phổi do virus RSV. Ảnh: Báo giao thông

Tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, năm nay, số lượng bệnh nhi sơ sinh mắc viêm phổi nặng do nhiễm virus RSV tăng cao.

Giao mùa là thời điểm virus hợp bào hô hấp (RSV) và các virus gây bệnh hô hấp phát triển mạnh. Tuy nhiên năm nay, số lượng bệnh nhi sơ sinh mắc viêm phổi nặng do nhiễm virus RSV tăng cao.

Mỗi ngày bệnh viện phải sàng lọc từ 80 đến 120 bệnh nhi làm test RSV, có 30 đến 40% trong số đó nhiễm virus RSV. Trong tổng số gần 200 bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu Sơ sinh, có đến 60 trẻ mắc viêm phổi do nhiễm virus RSV.

Theo Ths.BS Trịnh Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, virus hợp bào hô hấp (RSV – respiratory syncytial virus) là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với khả năng lây lan rất mạnh.

Nhiễm RSV là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tiểu phế quản và viêm phổi ở trẻ dưới 2 tuổi.

Viêm phổi

Hình ảnh mô tả bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ em. Ảnh Internet

Với viêm phổi do virus RSV, hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bởi thế khi mắc không cần dùng kháng sinh, chỉ điều trị triệu chứng như rửa mũi, long đờm, rung… Bệnh sẽ tự khỏi nếu không có biến chứng như nhiễm thêm vi khuẩn, suy hô hấp.

Tuy nhiên, các triệu chứng khi nhiễm virus RSV thường rất giống và dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường như: chảy nước mũi, ho khan, sốt nhẹ, nôn, ăn kém… Trường hợp nặng trẻ có thể thở nhanh, khò khè, khó thở, tím tái, bỏ bú, ngừng thở….

Do biểu hiện dễ nhầm lẫn, nên khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh, các bậc phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và có kế hoạch điều trị kịp thời.

"Virus này có thể gây bệnh nặng cho trẻ sơ sinh nhưng tỷ lệ không cao. Những trẻ dễ mắc bệnh và có nguy cơ tử vong cao bao gồm: trẻ đẻ non, trẻ thiếu cân (suy dinh dưỡng bào thai), trẻ bị mắc các bệnh tim bẩm sinh và các bệnh mãn tính", bác sĩ Hà cho biết.

Dùng gừng chữa chứng trẻ thở khò khè khi ngủ. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

Diệp Lâm (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN