Chủ nhật, 19/01/2025 | 12:11
RSS

Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Thầy Toàn không có quyền sở hữu tài sản

Thứ tư, 09/10/2019, 15:20 (GMT+7)

"Nếu thầy không là hiện diện của Tăng, của Tam Bảo thì không ai công đức. Dù thầy Toàn khẳng định đó là tài sản của mình, thầy Toàn cũng không được phép nhận lại tài sản đó", Thượng tọa Thích Đức Thiện trao đổi với Tiền Phong.

Thượng tọa Thích Đức Thiện -  Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cho Tiền Phong biết, ngay khi nắm được sự việc GHPGVN chỉ đạo GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc theo sát sự việc. Đích thân Thượng tọa Thích Đức Thiện liên hệ sư Thích Thanh Toàn yêu cầu làm bản tường trình gửi Ban trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc.

“Giáo hội chỉ đạo Ban Trị sự tỉnh Vĩnh Phúc: Thứ nhất phải xác minh rõ nguồn gốc tài sản của thầy Thanh Toàn, thứ hai làm rõ có hay không có tài sản 200-300 tỷ như thầy ấy phát ngôn. Bởi vì con người thầy Toàn Ban Trị sự huyện Tam Đảo nắm được rất rõ. Theo báo cáo nhiều khi thầy Toàn phát ngôn không đúng, Ban trị sự Tam Đảo không tin thầy Toàn có khối tài sản như thầy nói”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Hội đồng trị sự GHPGVN cũng nhận được báo cáo nhanh, tài sản của thầy Toàn đứng tên chỉ có hơn 6.000m2 đất và một số đất thủy lợi. “Dù có đúng theo luật đất đai nhưng theo Luật Phật, một vị Tỳ kheo khi xuất gia thì tất cả tài sản được sử dụng đó đều thuộc về Tăng (Tăng đoàn)”, thầy Thiện nói.

"Nếu thầy không là hiện diện của Tăng, của Tam Bảo thì không ai công đức. Dù thầy Toàn khẳng định đó là tài sản của mình, thầy Toàn cũng không được phép nhận lại tài sản đó", Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Thầy Toàn không có quyền sở hữu khối tài sản
Chân dung sư Toàn. Ảnh: Infonet

Thượng tọa Thích Đức Thiện phân tích: Đến khi một vị tỳ kheo chết đi, cái gọi là tài sản bên mình gồm ba tấm y ca sa đó cũng phải chuyển lại cho Tăng, chứ không có sự thừa kế ở đây. “Y cứ theo Luật Phật thầy Toàn không có quyền sở hữu tài sản này. Căn cứ Hiến chương Giáo hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tài sản thuộc về Giáo hội. Căn cứ theo Nội Quy Ban Tăng sự Trung ương, Giáo hội mới có quyền định đoạt tài sản, Ban trị sự có quyền định đoạt tài sản thuộc tự viện, chùa địa phương, cao nhất là Giáo hội.

Nội Quy Ban Tăng sự Trung ương quy định rất rõ khi bổ nhiệm trụ trì tất cả tài sản thuộc về Tăng. Do vậy thầy Toàn không có quyền sở hữu tài sản. Việc thầy lí luận do công đức cá nhân, nhưng cá nhân cũng thuộc về Tăng".

Thượng tọa Thích Đức Thiện trao đổi với VOV, khi thông tin được đăng tải, Trung ương GHPGVN đã rất cầu thị và phản hồi khá nhanh, gọi điện thoại đề nghị Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Tam Đảo nhanh chóng có cuộc tìm hiểu, có các biện pháp xác minh và đưa ra cách xử lý phù hợp, khả thi.

Đối với Giáo hội địa phương, thầy Thanh Toàn đã không thể hiện sự kết nối, chung tay chăm lo Phật sự mà ngược lại đã không sinh hoạt đều với Giáo hội, tu hành không đúng đường lối", Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

"Riêng các hình ảnh và clip được công bố trên báo Phụ Nữ TP.HCM, trên mạng xã hội mà đúng như thế thì rõ ràng không thể chấp nhận được những phát ngôn của thầy Thanh Toàn. Ở đây cũng nói rõ là mặc dù chúng ta không biết nguồn cơn, nguyên nhân dẫn đến các phát ngôn nhưng chúng thực sự đã làm cho người nghe không thể nào đồng tình. Và điều dễ nhận thấy nhất là vụ việc này chắc chắn làm ảnh hưởng không nhỏ, tác động một cách tiêu cực đối với hình ảnh, sinh hoạt Phật giáo", Tổng Thư ký GHPGVN bày tỏ.

Giáo hội rất trân trọng, cầu thị và ghi nhận những sự việc được báo chí phản ánh để giúp giảm trừ những điều xấu ác, tăng trưởng các hạnh lành trong sinh hoạt Tăng đoàn và hướng dẫn đời sống tâm linh cho quần chúng, tín đồ.

“Trong nhiều trường hợp, chúng ta cũng có thể đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc lực lượng công an, bằng nghiệp vụ của ngành, vào cuộc để điều tra nhằm đưa ra các kết luận hoàn toàn chính xác. Sau đó, chúng ta mới căn cứ vào đó để đề xuất biện pháp xử lý thuyết phục và hợp lý nhất” - Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN