Nếu có sự tăng giảm thì chỉ có sự dịch chuyển giữa phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ. Ảnh minh họa
Thí sinh băn khoăn
Theo thông báo của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2022 nhà trường dự kiến tuyển gần 8.000 chỉ tiêu dựa trên 3 phương thức. Theo đó, nhà trường dành 30 - 40% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) dự kiến dành 10% - 15% chỉ tiêu để xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Với phương thức này, năm ngoái nhà trường dành từ 80% - 85% chỉ tiêu.
Nếu như năm 2021, Trường ĐH Thuỷ lợi dành 70% chỉ tiêu để xét tuyển bằng phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT thì năm nay, phương thức này giảm xuống còn 50% trên tổng số hơn 5.000 chỉ tiêu. Với tổng 6.500 chỉ tiêu, Trường ĐH Tôn Đức Thắng dự kiến xét tuyển theo 5 phương thức. Trong đó, trường dành 50% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả học bạ THPT nhưng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm từ 50% xuống còn 25% chỉ tiêu.
Việc các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển và giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT khiến thí sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa lo lắng sẽ bị giảm cơ hội. Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022 do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) tổ chức, em Nguyễn Thị Thu Minh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) bày tỏ:
“Là thí sinh ở vùng nông thôn nên phương thức xét tuyển tối ưu nhất với chúng em là Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, năm nay các trường có nhiều phương thức tuyển sinh và dành ít chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Em khá lo lắng “cánh cửa” vào đại học sẽ “hẹp lại” vì chúng em vẫn quen ôn tập theo hướng các tổ hợp hợp truyền thống”.
Dự kiến đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội hoặc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhưng Nguyễn Tấn Lực, huyện Nam Trực (Nam Định) băn khoăn vì năm nay hai trường này giảm “sâu” chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. “Em khá hoang mang vì chủ yếu học theo khối thi truyền thống để xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Khi chỉ tiêu cho các phương thức khác tăng lên thì chỉ tiêu xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm xuống, điều này sẽ khiến tỷ lệ cạnh tranh cao hơn và cơ hội trúng tuyển của những thí sinh như em sẽ “hẹp” dần”, Tấn Lực chia sẻ.
Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022. Ảnh: TG
Cơ hội của thí sinh vẫn rất lớn
Thực tế, đây là băn khoăn của không ít thí sinh khu vực nông thôn vốn quen ôn tập để thi theo phương thức truyền thống - xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lý giải: Tâm lý “thu gọn” chỉ tiêu đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT là không chính xác. Thực tế, hầu hết cơ sở giáo dục đại học đã thông báo phương án tuyển sinh, trong đó phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ vẫn giữ vai trò chủ đạo.
Đối với thí sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, do điều kiện học tập khó khăn hơn so với học sinh vùng đô thị nên các em sẽ được cộng điểm ưu tiên khu vực. “Tất nhiên, nếu các em muốn đăng ký vào những ngành “hot”, trường “hot” phải chấp nhận sự cạnh tranh lớn hơn” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền lưu ý.
Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu - Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, thí sinh không nên lo lắng vì các trường đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau nên cơ hội vẫn rộng mở. Các em có thể đăng ký xét tuyển bằng học bạ THPT hoặc xét tuyển kết hợp…
PGS.TS Bùi Đức Triệu viện dẫn: Bộ GD&ĐT khuyến cáo các cơ sở đào tạo, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển; sau đó, cần có thêm hình thức chọn lọc bổ sung. Do đó, việc nhóm trường tốp trên xét tuyển bằng phương thức tuyển sinh riêng và giảm dần chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các trường cần sớm công bố đề án tuyển sinh hoặc phương án tuyển sinh để thí sinh tìm hiểu và nắm rõ một số quy định. Từ đó có định hướng trong học tập và đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Theo thống kê của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), mùa tuyển sinh năm nay, có khoảng 20 phương thức được các trường đưa ra để xét tuyển. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho hay: Chưa đến 10% chỉ tiêu được các trường dành cho các phương thức khác; có tới 90% vẫn xét tuyển theo 2 phương thức học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT. Vì thế cơ hội của thí sinh rất lớn.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh: Ngoại trừ những trường thi tuyển bằng các môn năng khiếu, còn lại hầu hết đều sử dụng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ.
“Không trúng tuyển vào trường này, các em vẫn có cơ hội ở nhiều trường khác. Tất nhiên, khi mong muốn trúng tuyển vào những trường tốp đầu thì mức độ cạnh tranh lúc nào cũng cao hơn, dù bằng phương thức xét tuyển nào đi chăng nữa. Chính vì thế, thí sinh cần giữ tâm thế vươn lên để vào được các trường tốp đầu” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy trao đổi, đồng thời chia sẻ với với những băn khoăn, lo lắng của thí sinh về số lượng chỉ tiêu dành cho kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm đi. Tuy nhiên, nếu có sự tăng giảm thì chỉ là dịch chuyển giữa hai phương thức chính (xét điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ).
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, với xu thế tuyển sinh như những năm gần đây, dần dần cách đánh giá năng lực của thí sinh để vào lĩnh vực đào tạo ở bậc cao hơn sẽ có sự phân biệt, nhằm phù hợp với yêu cầu riêng của mỗi trường. Tức là, các trường sẽ không chỉ dừng lại ở việc xét tốt nghiệp THPT. Đó là xu thế của tương lai, còn thời điểm hiện tại, việc tuyển sinh cơ bản vẫn giữ ổn định. |