Thứ ba, 23/04/2024 | 18:07
RSS

Thư viện số miễn phí cho trẻ em Việt Nam sẽ ra mắt vào tháng 9

Chủ nhật, 29/05/2022, 10:34 (GMT+7)

Thư viện số miễn phí cho trẻ em Việt Nam có hơn 3000 sản phẩm sách ở các định dạng và ngôn ngữ khác nhau, trong đó tập trung vào Tiếng Việt. Ngoài ra còn có tiếng Anh và ngôn ngữ ký hiệu.

Thông tin trên Dân Trí cho biết, đây là chương trình do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) phối hợp với Thư viện số Toàn cầu (Global Digital Library) và Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (VNIES) xây dựng từ nguồn tài trợ của Chính phủ Na Uy, hướng đến quyền tiếp cận sách chất lượng cao cho tất cả trẻ em, trong đó chú ý quan tâm đến đối tượng trẻ em dân tộc và trẻ em khuyết tật. 

Dự án với mô hình phần mềm mã nguồn mở, dữ liệu mở và thiết kế đảm bảo quyền riêng tư và an toàn thông tin cho người sử dụng, đặc biệt là trẻ em; với mong muốn mang đến cơ hội và những trải nghiệm đọc sách tốt nhất đến tất cả trẻ em, không phân biệt điều kiện, vùng miền, dân tộc.

Theo đó, sẽ có hơn 3000 sản phẩm sách ở các định dạng và ngôn ngữ khác nhau, trong đó tập trung vào Tiếng Việt, tám ngôn ngữ dân tộc thiểu số của Việt Nam bao gồm Ba Na, Chăm, Ê-đê, Gia Rai, Khmer, Mơ Nông, Mông, Thái cùng tiếng Anh và ngôn ngữ kí hiệu. 

Thư viện số miễn phí cho trẻ em Việt Nam sẽ ra mắt vào tháng 9 tới

Một số sách cho trẻ em. Ảnh: Dân Trí

Theo VietNamNet, sản phẩm dự kiến chính thức ra mắt vào tháng 9 năm 2022.  

GS.TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, chủ nhiệm Dự án cho biết, với các sản phẩm của Dự án, trẻ em có thể thoả thích đọc, nghe truyện, cũng như xem và tương tác với các sách có gắn các yếu tố thực tế tăng cường. Trẻ em khiếm thính cũng có cơ hội đọc trải nghiệm qua các video sách ngôn ngữ kí hiệu thú vị. Các sách, truyện trong thư viện được chọn lọc từ kho truyện thiếu nhi từ các nhà xuất bản uy tín trong nước và thế giới

Trao đổi trên Dân Trí, TS. Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) chia sẻ: “Các sản phẩm của Dự án thư viện số với trang web và ứng dụng đọc sách đa dạng, hấp dẫn, miễn phí sẽ tạo cơ hội cho nhiều trẻ em được đọc sách, đặc biệt là trẻ em dân tộc, trẻ em vùng khó khăn. Sản phẩm sách chất lượng cao, miễn phí sẽ góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách sôi nổi. Không chỉ trẻ em mà cả phụ huynh, giáo viên và nhà trường đều có thể tham gia".

Tuệ Nhi (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại