Thí sinh dự Kì thi đánh giá năng lực tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sáng 7/5.
Năm nay, trong số 2.983 thí sinh đăng ký dự thi Kì thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 2.367 thí sinh đủ điều kiện.
Chuẩn bị cho Kì thi này, Nhà trường đã chủ động, thực hiện đúng các nguyên tắc, quy định trong công tác ra đề; công bố đề thi thử trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cán bộ coi thi gọi thí sinh vào phòng thi.
Trong công tác tổ chức, Trường tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch, trang bị nước sát khuẩn, khẩu trang, có nhân viên y tế trực và thanh niên tình nguyện hỗ trợ. Công tác đón tiếp thí sinh và phụ huynh diễn ra chu đáo, nhận được phản hồi tích cực.
Thanh niên tình nguyện hỗ trợ thí sinh tại điểm thi.
Sáng nay, tại điểm thi, các thí sinh có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định để làm thủ tục dự thi và tuân thủ tốt các quy định tại phòng thi, quy chế thi.
Bên cạnh các phương thức tuyển sinh đại học đã áp dụng từ những năm học trước, năm 2022, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bổ sung phương thức tuyển sinh mới: xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực kết hợp với kết quả học THPT.
Thí sinh có mặt tại điểm thi đúng thời gian quy định.
Kì thi này được tổ chức với mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, gia tăng thêm cơ hội trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và nhằm phân loại tốt hơn năng lực của các thí sinh để tuyển chọn được tân sinh viên phù hợp với từng ngành đào tạo.
Theo đó, thí sinh lựa chọn và thực hiện một hoặc một số bài thi (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí) sử dụng kết quả thi để đăng kí xét tuyển vào các ngành đào tạo của Trường. Các bài thi được xây dựng nhằm đánh giá được các năng lực đặc thù để tuyển sinh vào ngành hoặc nhóm ngành đào tạo cụ thể của Trường.
Công tác phòng dịch được các điểm thi chuẩn bị chu đáo.
Thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy với thời gian mỗi môn từ 60 đến 90 phút. Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỉ lệ điểm phù hợp tùy theo môn thi, bao gồm các câu hỏi kiểm tra khả năng lập luận, năng lực phân tích, đánh giá và sáng tạo.
Cùng với bài thi viết để đánh giá năng lực, thí sinh phải đáp ứng các điều kiện về hạnh kiểm tất cả các học kì ở bậc THPT từ loại khá trở lên và điểm trung bình chung của 5 học kì (học kì 1,2 lớp 10, 11 và học kì 1 lớp 12) từ 6.5 trở lên (không có học kì nào dưới 6.5).