Thứ sáu, 29/03/2024 | 16:18
RSS

Đưa học trò vào vai "chủ tướng" để thẩm thấu lịch sử

Thứ sáu, 06/05/2022, 11:45 (GMT+7)

Tạo hứng thú học tập để học sinh thấy hấp dẫn với môn học, cô Nguyễn Thị Thủy giáo viên Lịch sử Trường THCS Hải Xuân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã sáng tạo đổi mới phương pháp dạy học.


Truyền cảm hứng để học sinh yêu thích môn Lịch sử qua từng tiết học

Tạo hứng thú học tập

Cô Thủy cho biết, trong quá trình dạy học môn Lịch sử ở trường trung học, việc tạo hứng thú học tập cho học sinh có vai trò đặc biệt quan trọng. Hứng thú học tập còn kích thích các em tích cực, say mê học tập để tiếp thu những kiến thức mới, tự giác nắm vững kiến thức lịch sử và biết vận dụng những kiến thức đó vào thực tiễn cuộc sống. Quan điểm đó được thực hiện theo hướng phát triển năng lực cho học sinh, nhờ đó mà giờ học trở nên thú vị không còn khô khan, gần gũi dễ nhớ, dễ hiểu hơn, khơi dậy niềm đam mê học Lịch sử của các em.

Ở trường phổ thông hiện nay, hầu hết học sinh chưa có hoặc ít có hứng thú với bộ môn lịch sử. Có nhiều nguyên nhân như “môn sử dài, khó học khó nhớ”, “có quá nhiều sự kiện”...  Để giúp các em hiểu sâu các trận chiến, có hứng thú và học tốt môn lịch sử, cô Thủy đã giao dự án về nhà cho học sinh thiết kế mô hình các trận chiến bằng cách lên kế hoạch những vật liệu cần chuẩn bị, hướng dẫn học sinh thiết kế mô hình và dựa vào mô hình để trình bày diễn biến trận chiến. Việc học sinh tự tay làm mô hình trận đánh đã giúp các em không chỉ hiểu, nhớ bài mà còn hứng thú với môn học.


Tạo hứng thú học tập cho học sinh trong mỗi giờ lên lớp của cô giáo

Tạo sức hấp dẫn môn học hơn nữa, cô Thủy còn tìm hiểu nghiên cứu biên soạn những vở kịch ngắn về diễn biến trận đánh. "Tôi cho học sinh đóng vai là các nhân vật lịch sử, vị chủ tướng như Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo,.. với tư cách là người đứng đầu em sẽ tổ chức và chỉ huy các trận đánh đó như thế nào? Khi học sinh được đóng vai các nhân vật trong bài học và vận dụng vốn kinh nghiệm đã có để ứng xử thể hiện phù hợp tính cách nhân vật. Nhiều lời thoại hoặc những nội dung có thể xây dựng thành kịch bản phân vai cho mỗi học sinh đã giúp học sinh nắm được bài và yêu thích môn học rất nhiều" - cô Thủy chia sẻ. 

Hấp dẫn trực quan học tập

Trực quan học tập, đặc biệt là mô hình các trận đánh trong dạy học Lịch sử có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là một trong những ưu tiên của cô giáo khi bước vào dạy học. Cô Thùy cho biết: Đồ dùng học tập là phương tiện trực quan góp phần làm cho tiết học được sinh động, giúp học sinh tư duy tích cực, tìm tòi, tự khám phá để chiếm lĩnh kiến thức mới. Môn học lịch sử nếu không có đồ dùng trực quan minh họa sống động thì kiến thức các em khó tiếp cận bởi lịch sử Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn với nhiều sự kiện và nhân vật khác nhau.


Mô hình trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng được học sinh tái hiện tạo sự hấp dẫn lớn

Trong bối cảnh chuyển đổi số thời 4.0 khi công nghệ thông tin phát triển, cô Thủy đã tự nhận thấy thế mạnh này và chủ động khai thác, sử dụng tranh ảnh, sơ đồ, lược đồ, video phim hoạt hình về các sự kiện lịch sử… để trình chiếu trên tivi. Cô giáo cho rằng trực quan sinh động có vai trò rất lớn trong việc giúp học sinh nhớ kĩ hiểu sâu những hình ảnh, những kiến thức lịch sử. "Khi quan sát bất cứ đồ dùng trực quan nào học sinh sẽ huy động được sự tham gia của nhiều giác quan mắt thấy, tai nghe tạo điều kiện cho học sinh dễ hiểu, nhớ lâu phát triển năng lực chú ý quan sát hứng thú học tập". Cô Thủy nhấn mạnh

Em Nguyễn Thị Yến, học sinh lớp 6A Trường THCS Hải Xuân chia sẻ: "Mô hình trận đánh đã giúp em hiểu rộng, sâu hơn bài học. Như trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng đã giúp em hình dung rõ hơn về trận chiến, chúng em biết được kế hoạch đóng cọc trên sông của Ngô Quyền ra sao, tại sao ta lại chỉ dùng thuyền nhỏ để nhử địch, việc lợi dụng sự lên xuống của thủy triều để đánh địch… Trước đây học môn lịch sử rất nhàm chán, thật bất ngờ khi cô đã đưa ra phương pháp giảng dạy mới lạ, từ đó không những em  mà các bạn khác đều cảm thấy thích thú và mong ngóng đến giờ học lịch sử".

Năm 2020 cô giáo Nguyễn Thị Thủy đã được Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định tặng giấy khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào viết và vận dụng sáng kiến kinh nghiệm dạy học. Năm học 2020 – 2021, cô giáo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm học 2021- 2022 này đội tuyển học sinh giỏi Lịch sử 9 do cô Thủy trực tiếp giảng dạy xếp thứ nhất của huyện, thứ 3 của  tỉnh với 2 giải Nhì, 1 giải Ba, 2 giải Khuyến khích. “Tôi yêu Lịch sử và tôi muốn truyền cảm hứng ấy cho học sinh thân yêu của mình” – cô giáo Nguyễn Thị Thủy.  

 

Hà An
Theo Giáo dục & Thời đại