Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:20
RSS

Giải pháp dùng thuốc an toàn để trị mụn trứng cá khi mang thai

Thứ sáu, 08/11/2019, 10:16 (GMT+7)

Nổi mụn trứng cá khi mang thai là hiện tượng rất bình thường và phổ biến. Làm cách nào để trị mụn trứng cá khi mang thai hiệu quả mà an toàn cho bà bầu và thai nhi.

mụn trứng cá khi mang thai

Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng phương pháp trị mụn trứng cá khi mang thai

Thực tế, có tới hơn 50% phụ nữ bị mụn trứng cá khi mang thai. Mụn thường không quá nghiêm trọng nhưng lại gây ảnh hưởng lớn đến thẩm Mỹ và tâm lý, bởi vậy chị em thường tìm mọi cách để điều trị mụn. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc hay kem bôi trị mụn trứng cá gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi nên bà bầu cần đặc biệt cẩn trọng.

Nguyên nhân gây ra mụn trứng cá khi mang thai

Nguyên nhân chính gây ra mụn trứng cá khi mang thai là do nồng độ hormone tăng cao trong ba tháng đầu thai kỳ. Hormone tăng lên làm tăng tiết dầu nhờn tự nhiên trên da. Tuy không rõ đâu là nguyên nhân chính dẫn tới mụn trứng cá khi mang thai, nhưng bạn sẽ dễ bị mọc mụn trứng cá khi mang thai nếu trước đó bạn bị mụn ẩn sần sùi hoặc bị nổi mụn khi có kinh nguyệt. 

Nếu bạn không bị nổi mụn trứng cá trong thời kỳ đầu mang thai, khả năng cao bạn sẽ không bị mụn trong suốt thai kỳ.

Điều trị mụn trứng cá khi mang thai: Tại sao cần cẩn trọng?

Kiểm soát mụn trứng cá khi mang thai là việc không đơn giản. Do nhiều phương pháp trị mụn trứng cá có tác động xấu đến thai nhi, làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ. Bởi vậy, để đảm bảo an toàn, phụ nữ mang thai không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc trị mụn hay kem bôi trị mụn nào mà không có tư vấn từ bác sĩ, dược sĩ hay chuyên gia.

Mọc mụn khi mang thai là do hormone dao động. Mụn sẽ giảm dần khi hormone nữ trở lại mức bình thường. Vì thế, để hạn chế mụn sưng đỏ, để lại vết thâm hay sẹo mụn, bạn có thể dùng các loại kem hay thuốc trị mụn có chứa thành phần an toàn, hoặc áp dụng các biện pháp trị mụn từ nguyên liệu tự nhiên.

mụn trứng cá khi mang thai

Có tới 50% phụ nữ mang thai bị mọc mụn trứng cá

Các phương pháp trị mụn trứng cá cần tránh khi mang thai

Dùng isotretinoin dạng uống – Khả năng cao gây dị tật bẩm sinh thai nhi

Sử dụng thuốc isotretinoin dạng uống là một “cuộc cách mạng” trong điều trị mụn trứng cá nặng. Tuy nhiên, thuốc này đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai. Bởi thuốc gây ảnh hưởng tới thai nhi và có khả năng gây dị tật bẩm sinh cho trẻ.

Vì nguy cơ rất cao nên bác sĩ khi kê đơn điều trị đều phải hỏi và căn dặn kỹ, tránh rủi ro cho phụ nữ mang thai hoặc chuẩn bị mang thai. 

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần phòng tránh thai và đảm bảo không mang thai trong ít nhất 1 tháng trước và sau khi dùng thuốc isotretinoin. Phụ nữ nên thử thai trước, trong và sau khi điều trị mụn với isotretinoin.

Các phương pháp điều trị mụn có thể gây dị tật bẩm sinh

  • Liệu pháp hormone: liệu pháp hormone thường được áp dụng để điều trị mụn trứng cá bao gồm sử dụng estrogen liều thấp và progesterone (thuốc ngừa thai) hoặc thuốc kháng androgen (spironolactone). 
  • Thuốc uống tetracycline: gồm các loại kháng sinh như tetracyclin, doxycycline và minocycline, làm ức chế sự phát triển xương và mất màu răng vĩnh viễn.
  • Kem bôi chứa retinoids: như adapalene (Difin), tazarotene (Tazorac) và tretinoin (Retin-A). Những sản phẩm này tương tự như isotretinoin và nên tránh sử dụng khi mang thai. Dù nghiên cứu chỉ ra rằng lượng thuốc hấp thụ qua da là khá thấp nhưng vẫn có nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi. 
  • Kem bôi da, sữa rửa mặt chứa axit salicylic: Một số chuyên gia khuyên bạn nên tránh dùng các sản phẩm chứa thành phần này khi mang thai, bởi sẽ gây ảnh hưởng xấu đến em bé.

Các phương pháp trị mụn trứng cá khi mang thai an toàn cho cả mẹ và con

Một số chuyên gia khuyên bà bầu nên dùng các sản phẩm trị mụn trứng cá chứa những thành phần như erythromycin, axit azelaic, benzoyl peroxide hoặc axit glycolic. Chỉ có khoảng 5% thuốc hoạt tính bôi lên da bị hấp thụ vào cơ thể. Vì thế, các loại thuốc này không có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

Điều quan trọng là trước khi uống hoặc bôi bất kể loại thuốc nào lên da, bà bầu cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

Phòng tránh mụn trứng cá khi mang thai bằng cách nào?

Nguyên nhân chính gây mụn trứng cá khi mang thai là do dao động hormone. Vì thế, tình trạng mụn trứng cá sẽ hết sau khi sinh em bé. Để hạn chế việc áp dụng các biện pháp điều trị mụn trứng cá tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bạn nên thực hiện các biện pháp chăm sóc da thật kỹ để phòng tránh mụn trứng cá khi mang thai. 

mụn trứng cá khi mang thai

Nặn mụn sẽ dễ để lại vết thâm, sẹo xấu trên da

Các biện pháp phòng ngừa mụn trứng cá khi mang thai bà bầu nên áp dụng là:

  • Rửa mặt mỗi ngày 2 lần và sau khi ra nhiều mồ hôi. Nên dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa cồn, không chứa xà phòng, không tạo bọt, không mùi, không gây kích ứng da. 
  • Tránh rửa mặt quá nhiều lần và quá kỹ bởi sẽ gây khô da, kích thích tuyến dầu tiết nhiều dầu nhờn hơn, gây mụn.
  • Dùng tẩy trang có chứa thành phần tự nhiên, an toàn. Có thể dùng loại sữa rửa mặt dịu nhẹ thay thế kem tẩy trang. 
  • Thấm khô mặt bằng khăn bông mềm, sạch.
  • Dùng kem dưỡng ẩm để dưỡng ẩm cho da sau khi rửa mặt sạch. Da đủ ẩm sẽ không tiết quá nhiều chất nhờn, từ đó sẽ hạn chế mụn trứng cá. 
  • Nên gội đầu thường xuyên, bởi đầu tóc bẩn sẽ làm tăng nguy cơ mọc mụn trứng cá. Khi gội đầu nên tránh dùng dầu xả ở gần chân tóc để hạn chế mụn trứng cá mọc ở chân tóc. 
  • Hạn chế đưa tay lên mặt, nên lau sạch màn hình điện thoại thường xuyên để tránh vi khuẩn lây lan trên da mặt gây mụn trứng cá. 
  • Khi bị nổi mụn, tránh tuyệt đối nặn mụn. Bởi nặn có thể gây thâm, để lại sẹo xấu trên da. Nếu bạn bị mọc mụn trứng cá nghiêm trọng, nên đi khám da liễu để được bác sĩ tư vấn cũng như có biện pháp điều trị mụn trứng cá an toàn.
Tâm Đào
Theo Đời sống Plus/GĐVN