Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:07
RSS

Giá xăng dầu hôm nay 28/7: Giá dầu thô tăng vọt, xăng trong nước có giảm?

Thứ năm, 28/07/2022, 09:03 (GMT+7)

Giá dầu thô thế giới hôm nay (28/7) tăng vọt sau quyết định tăng lãi suất của Fed và thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ. Dầu WTI đứng ở mức 98 USD/thùng, dầu Brent lên mức 107,17 USD/thùng. Trong nước, một số dự báo cho thấy, giá xăng trong nước tại kỳ điều chỉnh tới sẽ tiếp tục giảm lần thứ 4 liên tiếp...

Đà tăng của “vàng đen” được hỗ trợ sau quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát cao nhất kể từ những năm 1980. 

Giá xăng dầu hôm nay 28/7: Dầu thô đồng loạt tăng vọt

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 28/7/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đứng ở mức 98,097 USD/thùng, tăng 3,23%. Trong khi đó, giá dầu Brent đứng ở mức 107,174 USD/thùng, tăng 2,65%. 


Giá dầu thô thế giới hôm nay (28/7) tăng vọt sau quyết định tăng lãi suất của Fed và thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ.

Giá dầu đã phục hồi hơn 2 USD trong phiên giao dịch ngày 27/7 giữa bối cảnh những lo ngại về nhu cầu suy yếu đã lấn át thông tin về dự trữ dầu thô của Mỹ.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) của Mỹ cho thấy, dự trữ dầu thô của nước này đã giảm tới 4,5 triệu thùng xuống còn 422,1 triệu thùng trong tuần trước. Mức giảm này cao hơn nhiều so với kỳ vọng chỉ giảm 1 triệu thùng. Mức giảm này cũng là kết quả của xuất khẩu dầu của Mỹ tăng lên mức cao nhất mọi thời đại do chiết khấu lớn của dầu thô Mỹ so với dầu thô tiêu chuẩn quốc tế Brent. Cụ thể, xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã đạt kỷ lục 4,5 triệu thùng/ngày. 

Đà tăng của dầu được hỗ trợ sau quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát cao nhất kể từ những năm 1980. Vậy là cùng với đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản này, và các hành động trước đó hồi tháng 3, 5 và 6, lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ đã tăng từ gần 0% lên khoảng 2,25%-2,50%.

Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu giảm tại Mỹ trong tháng 7, bất chấp cao điểm giao thông đã và đang là lo ngại lớn của các nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua, đặc biệt khi các cuộc khảo sát gần đây cho thấy độ tự tin của người tiêu dùng Mỹ nói chung đang ở mức thấp, và đặc biệt là xu hướng cắt giảm chi tiêu cho chi phí đi lại, theo khảo sát của AAA, bất chấp giá xăng tại Mỹ đã liên tục giảm.

Do đó, việc tồn kho thương mại giảm trong tuần vừa rồi là tín hiệu đáng mừng cho nhiều nhà đầu tư, đặc biệt khi giá WTI hiện vẫn đang ở dưới mức 100 USD/thùng. Con số tồn kho dầu thô giảm 4 triệu, cao hơn đáng kể so với kỳ vọng 1 triệu thùng đang là yếu tố chính hỗ trợ lực mua, bất chấp Mỹ đã nâng con số bán từ kho dự trữ chiến lược từ 180 triệu thùng trong năm nay lên 200 triệu thùng.

Được biết, thị trường cũng sẽ chờ đợi thêm manh mối cho các đợt tăng lãi suất khác của Fed trong năm. Từ kết quả cuộc họp tháng 6, giới phân tích cho rằng lãi suất cuối năm sẽ đạt 3,5%, tuy nhiên nếu Chủ tịch Powell đưa ra tín hiệu Fed sẽ mạnh tay hơn trong các lần họp tới, tâm lý thị trường sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, khiến dòng tiền quay về các tài sản trú ẩn và gây áp lực bán cho giá dầu.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước 

Tại thị trường trong nước, Bộ Công Thương vừa có quyết định điều hành Giá xăng dầu kể từ 15 giờ hôm 21/7.

Theo đó, cơ quan quản lý yêu cầu doanh nghiệp đầu mối giảm giá bán xăng dầu. Cụ thể như sau: Giá bán lẻ xăng E5 RON 92 giảm 2.710 đồng, giá bán ra từ 15 giờ ngày 21/7 về mức 25.070 đồng/lít. Xăng RON 95 là 26.070 đồng, giảm 3.600 đồng.

Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm: Dầu diesel giảm 1.740 đồng, còn 24.850 đồng/lít. Dầu hoả giảm 1.100 đồng/lít, còn 25.240 đồng/lít. Dầu mazút giảm 2.380 đồng, giá còn 16.540 đồng/kg.

Trong khi đó, mức trích vào quỹ vẫn giữ như kỳ điều hành trước. Theo đó, mức trích Quỹ với xăng E5 RON92 và RON95-III là 950 đồng/lít; dầu diesel là 550 đồng; dầu hoả 700 đồng; và mazút là 950 đồng/kg.

Đây là kỳ giảm giá thứ 3 liên tiếp của giá xăng, dầu trong nước từ đầu tháng 7 đến nay.

Giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 28/7 như sau: Xăng RON 95-V từ mức 30.350 đồng/lít xuống còn 26.750 đồng/lít; xăng RON 95-III từ mức 29.670 đồng/lít xuống còn 26.070 đồng/lít ; xăng sinh học E5 RON 92 từ mức 27.780 đồng/lít xuống còn 25.070 đồng/lít; dầu diesel tiêu chuẩn Euro 5 từ mức 27.590 đồng/lít xuống còn 26.830 đồng/lít; dầu hỏa từ mức 26.340 đồng/lít xuống còn 25.240 đồng/lít.

Tính đến 15h00 ngày 21/7, Quỹ bình ổn giá xăng dầu Petrolimex đã dương 53,3 tỷ đồng so với mức âm 140 tỷ đồng của lần điều chỉnh giá trước đó (ngày 11/7). Như vậy sau nhiều tháng âm liên tiếp, quỹ bình ổn giá xăng dầu Petrolimex đã có khoản dư 53,3 tỷ đồng.

Như vậy, tổng mức giảm giá xăng đến nay đã gần 7.000 đồng/lít, tương đương khoảng 20% so với thời điểm cuối tháng 6 vừa qua. Điều này khiến cho người dân và doanh nghiệp vui mừng bởi chi phí cho xăng dầu giảm, đồng nghĩa với gánh nặng lên vai đã nhẹ bớt, có thể kích cầu tiêu dùng trong thời gian tới. Theo đánh giá của chuyên gia, giá xăng dầu giảm mạnh không chỉ giúp người dân được hưởng lợi trực tiếp từ giá xăng mà còn có thể hưởng lợi gián tiếp từ việc giảm giá các loại hàng hóa, dịch vụ.

Chính phủ, các Bộ ngành có thể tiếp tục đề xuất mạnh việc giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt để giá xăng giảm xuống nữa, giúp giá cả thị trường, chi phí giảm, doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh.

Giá dầu thế giới còn rất khó dự báo, có thể giảm trong kỳ điều hành này, nhưng sẽ quay trở lại tăng vào thời gian tới. Do vậy, các Bộ, ngành cần tiếp tục tính toán, cân nhắc và đề xuất các giải pháp để giảm thuế trên xăng dầu, từ đó giảm giá xăng dầu, góp phần tác động mạnh hơn tới giảm giá nhiều mặt hàng tiêu dùng...

Được biết, giá xăng RON 95 tối đa có thể hạ 4.500 đồng về 25.000 đồng/lít nhưng cơ quan điều hành chỉ giảm 3.600 đồng do vẫn trích Quỹ bình ổn.

Ở kỳ điều hành này, xăng RON 95-III giảm 12%, E5 RON 92 hạ 10% so với cách đây 10 ngày, nhưng mức này vẫn thấp hơn đà giảm của thế giới (13-15%). 

Trong khi đó, nhà điều hành vẫn duy trì mức trích lập vào Quỹ Bình ổn như cách đây 10 ngày là 950 đồng/lít với E5 RON 92, RON 95-III và dầu mazut; dầu diesel là 550 đồng. Đây là lần thứ hai liên tiếp cơ quan quản lý duy trì mức trích lập vào quỹ "mạnh tay" như vậy.

Theo tính toán, cùng với giảm thuế bảo vệ môi trường, nếu không phải trích lập gần 1.000 đồng mỗi lít xăng vào quỹ, giá xăng RON 95-III đã có thể hạ hơn 4.500 đồng/lít. Tương tự, E5 RON 92 đã có thể giảm khoảng 3.600 đồng/lít; dầu diesel gần 2.300 đồng.

Thực tế, giá xăng dầu ở kỳ điều hành 21/7 vẫn cao hơn 1.900-2.100 đồng so với hồi tháng 1/2022. Người dân và doanh nghiệp kỳ vọng giá sẽ giảm sâu hơn, giúp họ ổn định đời sống phục hồi sản xuất sau dịch bệnh.

Sau 19 đợt điều chỉnh, giá xăng vẫn tăng tới trên 30% do ảnh hưởng bởi giá dầu thô thế giới liên tục leo thang. Tuy nhiên, việc điều chỉnh thuế đã giúp giá xăng dầu trong nước phần nào hạ nhiệt.

Kể từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 19 đợt điều chỉnh trong đó có 13 đợt tăng, 6 đợt giảm. Sau một chuỗi ngày tăng nóng trong quý II/2022, giá xăng đã có 3 đợt giảm liên tiếp trong tháng 7 nhờ việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường và giá dầu thế giới hạ nhiệt. Giá xăng hôm 21/7 có mức giảm sâu nhất kể từ đầu năm đến nay.

Trước đà giảm của giá dầu thế giới, một số dự báo cho thấy, giá xăng trong nước tại kỳ điều chỉnh tới (ngày 1/8) sẽ tiếp tục giảm nữa. Tuy nhiên, mức giảm có thể thấp hơn 2 lần giảm trước.

Doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore vẫn đang ở mức thấp hơn tại kỳ điều hành vừa qua (21/7). Cụ thể, xăng RON 95 khoảng 108 USD/thùng, xăng RON 92 105,5 USD/thùng, dầu diesel gần 124 USD/thùng...


Được biết, trước đà giảm của giá dầu thế giới, một số dự báo cho thấy, giá xăng trong nước tại kỳ điều chỉnh tới (ngày 1/8) sẽ tiếp tục giảm nữa. Tuy nhiên, mức giảm có thể thấp hơn 2 lần giảm trước.

Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước với xăng RON 95 là 116 USD/thùng, xăng RON 92 là 112 USD/thùng và dầu diesel là 135,5 USD/thùng... Giá xăng tại kỳ tới dự báo có thể giảm. Mức giảm còn phải chờ diễn biến thị trường thế giới trong vài ngày tới và mức trích lập quỹ bình ổn. Nếu nhà điều hành vẫn giữ quỹ bình ổn giá như 2 kỳ trước (tức trích gần 1.000 đồng/lít cho xăng) thì mức giảm kỳ này thấp, có thể chỉ khoảng trên dưới 500 đồng/lít.

Liên quan đến điều hành giá xăng dầu, theo Bộ Công Thương, giá xăng có thể giảm về 24.000 đồng/lít vào quý IV/2022.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước của Bộ này dự báo những tháng tới, bình quân giá xăng thành phẩm thế giới vẫn biến động bất thường, dao động trong khoảng 145 - 155 USD/thùng, tức tăng 73 - 100% so với cùng kỳ 2021. Trong trường hợp nhà điều hành không trích lập vào Quỹ Bình ổn giá (BOG), giá xăng bán lẻ trong nước sẽ có giá bán dưới 31.700 đồng, còn dầu sẽ dưới 27.100 đồng.

Từ quý IV/2022, giá xăng dầu thế giới được dự báo "hạ nhiệt" về khu vực 110 - 115 USD/thùng. Từ đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng sẽ giảm mạnh, về mức 24.000 đồng/lít với xăng và 20.000 đồng/lít với dầu.

Tương đương với ngưỡng giá dự báo này, giá bình quân thành phẩm xăng dầu thế giới năm 2022 ở mức 130 - 140 USD/thùng, tăng 66 - 90% so với 2021. Tuy vậy, nhờ các công cụ điều hành từ giảm thuế môi trường, Quỹ BOG...bình quân giá bán lẻ trong nước chỉ tăng khoảng 35 - 39% với xăng, 51% với dầu so với 2021.

Được biết, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu, trước 30/7, Bộ Tài chính phải báo cáo Chính phủ các phương án giảm thêm thuế với xăng dầu.

Theo đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao cơ quan này nghiên cứu, đề xuất phương án giảm các loại thuế, phí liên quan tới xăng dầu, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh.

Thời hạn cho Bộ Tài chính là trước ngày 30/7. Việc giảm thêm thuế, phí này nhằm giảm chi phí, giá thành sản phẩm, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ chính sách tiền tệ... cho cả trước mắt và trung hạn.

Nguyễn Phương
Theo Dân Việt