Thứ tư, 24/04/2024 | 15:22
RSS

Giá thực phẩm chợ dân sinh tăng "phi mã" từng ngày

Thứ tư, 11/08/2021, 07:23 (GMT+7)

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, giá thực phẩm tại các chợ dân sinh, truyền thống trên địa bàn TP. Hà Nội đồng loạt tăng khiến người dân bắt đầu lo lắng.

Theo phản ánh của người dân và ghi nhận của PV Dân Việt, những ngày qua, tại các chợ dân sinh, truyền thống, giá các mặt hàng đang liên tục "nhảy múa" nhưng xu hướng đa phần là tăng.

Chị Thiên Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, giá các mặt hàng tại chợ Nhân Chính đã tăng nhiều lần từ rau xanh đến thịt cá. Do ảnh hưởng dịch bệnh nên thu nhập giảm mà giá thực phẩm tăng cao nên chị đành cắt bớt khẩu phần ăn của gia đình.

Cụ thể, chị Trang phản ánh, giá thịt gà 120.000 đồng/kg sau một tuần lên 150.000 đồng/kg, thịt nạc vai 140.000 đồng/kg thì nay tăng lên 160.000 đồng/kg. Bún, bánh phở từ 12.000 tăng lên 15.000, thậm chí 20.000 đồng/kg. Lá lốt tuần trước có 2.000 đồng/mớ thì tuần nay lên 5.000 đồng/mớ; rau muống lên đến 20.000 đồng/mớ.

Giá thực phẩm tại chợ dân sinh đã tăng mạnh trong thời gian qua. (Ảnh: Thanh Phong)

"Xem thông tin trên báo chí luôn thấy kêu gọi người dân cứ yên tâm đi chợ, giá cả bình ổn, không thiếu thốn, nhưng tôi không thấy bình ổn chút nào", chị Trang chia sẻ.

Cũng trong cảnh ngộ tương tự, chị Hương Trà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng cho biết, hiện tại, giá các mặt hàng không chỉ tăng theo tuần mà thậm chí chỉ tính bằng ngày.

"Hỏi người bán về việc giá tăng cao thì họ bảo việc chở thực phẩm vào thành phố rất khó khăn, chỉ có xe luồng xanh mới được vào. Do đó, tình trạng giá hàng hóa tăng cao không phải là do thiếu nguồn cung. Nếu tình trạng này kéo dài, tôi cũng rất lo ngại do thu nhập vào mùa dịch đã giảm nhiều", chị Trà bày tỏ.

Hiện tại, giá cả các mặt hàng thực phẩm tại nhiều chợ trên địa bàn TP. Hà Nội đang tăng cao so với những ngày trước đó. Đặc biệt, mặt hàng trứng gia cầm sau khi tăng gấp đôi, hiện lại tăng tiếp 30% và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Thành phố cần điều phối nơi thừa sang nơi thiếu nhịp nhàng hơn

Nhận định về tình trạng trên và nêu ý kiến về nguyên tắc bình ổn giá, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, trong thời gian tới, ngành chức năng cần tổ chức chuỗi cung ứng một cách hợp lý, khoa học hơn.

"Thứ nhất phải có số lượng hàng hóa mang tính áp đảo thị trường. Thứ hai, hàng hóa đó phải rải đều đặn ở các kênh phân phối, mạng lưới phân phối của thành phố. Kinh nghiệm như ở thành phố TP. HCM cho thấy, trứng gà của công ty Ba Huân với số lượng áp đảo và kiên quyết không tăng giá từ khi thành phố có dịch đến nay, cho nên giá trứng gà vẫn tương đối ổn định.

Tôi đi thị trường ở Hà Nội mặc dù có công bố chuẩn bị hàng triệu quả trứng một ngày nhưng lượng trứng bán ra ở chợ và siêu thị không nhiều, hoặc lúc có lúc không. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến giá mặt hàng thiết yếu này đã bị đẩy tăng 2- 3 lần trong một tháng nay. Các mặt hàng khác cũng có tình trạng tương tự", chuyên gia Vũ Vinh Phú đánh giá.

Giá nhiều mặt hàng trong siêu thị cũng liên tục nhảy múa do ảnh hưởng dịch covid-19 (Ảnh: Thanh Phong)

Ngoài ra, cũng theo ông Phú nhận xét, về mặt khách quan, có thể do chuỗi cung ứng những hàng hóa đó bị đứt đoạn tại một số thời điểm. Số chợ đầu mối,chợ dân sinh và siêu thị bị tạm thời đóng cửa để dẫn tới việc phục vụ tiêu dùng cho nhân dân thủ đô chưa được đều đặn.

Ngoài ra, ông Phú cũng cho rằng, một yếu tố nữa là chi phí vận chuyển, giao nhận mặt hàng trứng và một số mặt hàng khác có tăng lên trong mùa dịch. Bên cạnh đó, yếu tố chủ quan là sự điều phối nơi thừa sang nơi thiếu của thành phố chưa được nhịp nhàng, ăn khớp dẫn tới thiếu hàng cục bộ làm cho giá bị đẩy lên.

"Riêng mặt hàng thịt lợn, tuy giá lợn hơi có giảm 50% song giá cả ở khâu bán lẻ bị đẩy lên cao là do chi phí trung gian mà nhiều chuyên gia đã đề cập tới. Qua tình hình trên đề nghị TP. Hà Nội cần xem xét một cách thấu đáo việc tổ chức nguồn cung và tổ chức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn một cách khoa học hơn, kịp thời hơn.

Qua đó, ổn định một cách tương đối giá cả những mặt hàng thiết yếu trong lúc có dịch cũng như thời kỳ phục vụ tiếp theo. Như vậy, việc bình ổn giá thực sự hiệu quả và đem lại niềm tin cho người tiêu dùng Thủ đô trong những lúc khó khăn chung này. Đây cũng là bài học chung cho các thành phố lớn trong cả nước thực hiện công tác bình ổn giá hàng hóa thiết yếu cho nhân dân", chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Thanh Phong
Theo Dân Việt