Mùa nắng nóng, các thiết bị điều hòa cần được vệ sinh, bảo trì để có thể hoạt động hiệu quả, tiết kiệm điện năng. Từ nhu cầu này, nhiều bên cung cấp dịch vụ vệ sinh máy lạnh đã lợi dụng hình ảnh các thương hiệu uy tín để đánh lừa người dùng.
Với từ khóa "vệ sinh máy lạnh", Google cho ra kết quả tìm kiếm đầu tiên là trang "cskh-nguyenkim.com". Website này có tiêu đề “Vệ sinh máy lạnh tại nhà - Tưng bừng khuyến mãi 50.000 đồng” cùng biểu tượng cho thấy từ khóa này đã được mua để hiện vị trí cao trên kết quả tìm kiếm.
Tuy vậy, đây lại là website giả mạo Nguyễn Kim, thương hiệu lớn trong ngành điện gia dụng. Bên cạnh đó, trang này sử dùng giao thức HTTP kém bảo mật thay vì HTTPS và thiết kế không đồng bộ với màu sắc nhận diện thương hiệu của Nguyễn Kim.
Trong vai người dùng, phóng viên gọi lên tổng đài theo điện thoại trên website giả mạo. Hai trong ba số điện thoại là thuê bao di động. Thông thường, các trung tâm điện máy thường dùng đầu số 1800 cho việc chăm sóc khách hàng. Người dùng cần lưu ý yếu tố này khi gọi đến các trung tâm dịch vụ để tránh nhầm lẫn.
"Anh muốn sửa máy lạnh nào, có cần bơm gas không, địa chỉ nhà ở đâu", một giọng nam liên tục đặt ra những câu hỏi cho phóng viên Zing news.
Người này cố tình lảng tránh việc xác nhận mình là nhân viên của Nguyễn Kim. Qua nhiều lần đặt câu hỏi, cuối cùng người này tự nhận là "nhân viên bảo trì máy lạnh của Nguyễn Kim". Tuy vậy, phía Nguyễn Kim xác nhận đây chỉ là một trang giả mạo.
Đây không phải website duy nhất sử dụng thương hiệu của Nguyễn Kim để lừa dối người tiêu dùng.
"Các trang giả mạo này kinh doanh không cần uy tín bởi họ vốn đã dựa vào uy tín của người khác. Sử dụng dịch vụ vệ sinh máy lạnh từ những bên cung cấp này, người dùng có nguy cơ lâm vào cảnh tiền mất tật mang bởi có thể họ thay thế các linh kiện, gas lạnh không đúng thông số và chất lượng", đại diện thương hiệu máy lạnh Gree nói với Zing.
Trong khi đó, đại diện Điện máy Xanh từng cho biết trên Vietnamnet: "Các trang web giả này làm cho nhiều người hiểu lầm đây là Điện Máy Xanh nhưng lại không đạt theo tiêu chuẩn chất lượng để phục vụ khách hàng. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến uy tín của Điện Máy Xanh".
Ông Nguyễn Đức Minh - đại diện Điện Máy Xanh cho biết thêm công ty sẽ yêu cầu Google loại bỏ quảng cáo mang tên Điện Máy Xanh của trang web giả mạo. Bên cạnh đó, họ sẽ yêu cầu đơn vị này không được sử dụng tên thương hiệu của mình. Trong trường hợp các bên không hợp tác, công ty sẽ có bộ phận pháp lý giải quyết.
Giao diện của các trang web sửa máy lạnh giả mạo này được thiết kế giống như các siêu thị điện máy từ màu sắc chủ đạo, logo đến hình ảnh hệ thống các cửa hàng.
“Nếu ai chưa vào trang web của Nguyễn Kim hay Điện Máy Xanh để mua hàng thì khi nhìn vào các trang web này sẽ rất khó để nhận ra đây là giả mạo. Tôi cũng đã từng vào trang web nguyễnk**.com và nghĩ rằng hệ thống này mở thêm dịch vụ mới”, Anh Nguyễn Văn Hùng (quận 12, TP.HCM) cho biết.
Bên cạnh các trang web giả, các hệ thống bán lẻ di động, điện máy lớn còn gặp tình trạng nhái ở các cửa hàng. Những cửa hàng giả mạo có cách trưng bày hàng hóa, trang phục của nhân viên và các chương trình khuyến mãi giống với doanh nghiệp lớn.
Ngoài Điện Máy Xanh, những cửa hàng “nhái” sử dụng thương hiệu thế giới Di Động với hai màu sắc chủ đạo là màu vàng và đen trên bảng hiệu cũng đã từng xuất hiện. Các cửa hàng giả đã thay đổi một chút logo và tên trên bảng hiệu, nhưng nếu người dùng không am hiểu thì khó phát hiện ra được.