Thứ năm, 21/11/2024 | 21:16
RSS

Gần 5 triệu dân tại 4 tỉnh Tây Nguyên được tiêm vắc xin phòng bạch hầu

Thứ sáu, 10/07/2020, 07:40 (GMT+7)

Bộ Y tế phát động chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, bao gồm Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông.

Chiều ngày 9/7, Bộ Y tế phát động chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch bạch hầu trước hết tại 4 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, bao gồm Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông. Đối tượng của chiến dịch là những người từ 2 tháng tuổi trở lên.

Trong đó, trẻ từ 2 đến 18 tháng tuổi tiêm 1 mũi vaccine 5 trong 1; trẻ từ 19 đến 48 tháng tuổi tiêm 1 mũi vắc xin DPT và người từ 4 tuổi trở lên tiêm 2 mũi vaccine Td (mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng).

Dự kiến, chiến dịch này sẽ tiêm chủng khoảng 120.000 liều vắc xin 5 trong 1; gần 280.000 liều vaccine DPT và hơn 10 triệu liều vaccine Td. Như vậy, gần 4,7 triệu người tại 4 tỉnh Tây Nguyên sẽ được tiêm các mũi vaccine khác nhau để phòng chống dịch bạch hầu.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh, tiêm vaccine bạch hầu là một trong những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất, mang ý nghĩa chống dịch toàn diện và bền vững. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch tiêm vaccine phòng chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên. Đây là kế hoạch có quy mô lớn từ trước đến nay tại Việt Nam

Mục tiêu chung của kế hoạch là đảm bảo ít nhất 90% các đối tượng từ 2 tháng tuổi đến 40 tuổi tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông được sử dụng vaccine chứa thành phần bạch hầu đảm bảo an toàn.

Gần 5 triệu dân tại Tây Nguyên được tiêm vắc xin phòng bạch hầu

Gần 4,7 triệu người tại 4 tỉnh Tây Nguyên được tiêm vaccine phòng chống bạch hầu

Theo quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, tiêm vaccine ngừa bạch hầu làm giảm nguy cơ biến chứng, nguy cơ mắc bệnh nhưng mầm bệnh vẫn còn, vì vậy phải phát hiện thật sớm ca mắc, khoanh vùng ổ dịch, cho uống kháng sinh dự phòng và cuối cùng tiêm vắcxin là giải pháp căn cơ để đảm bảo các năm sau không có dịch.

Theo đó, Bộ Y tế sẽ đưa phần mềm và nhóm "truy vết" áp dụng trong dịch covid-19 vào ngăn dịch bạch hầu. Trong dịch Covid-19, nhóm này đã làm việc 24/24 giờ với hiệu quả tốt, nay dịch bạch hầu cũng là bệnh lây qua đường hô hấp, nguy cơ lây lan cao nên cũng áp dụng truy vết để khoanh vùng ổ dịch tương tự, ông Long cho hay.

Đây là chiến dịch tiêm ngừa có quy mô lớn thứ 2 ở Việt Nam trong 10 năm qua. Trước đó, năm 2014-2015 đã có khoảng 20 triệu trẻ được tiêm vắcxin ngừa sởi - rubella. Tuy nhiên, đây là tiêm ngăn chặn dịch nên thời gian chuẩn bị nhanh chóng hơn, gấp rút hơn để sớm có miễn dịch rộng rãi trong cộng đồng khu vực Tây Nguyên và từ đó ngăn dịch lây lan sang các tỉnh lân cận, cả nước.

Chiến dịch tiêm vaccine được phát động trong tình hình dịch bạch hầu ngày càng diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh vẫn có dấu hiệu gia tăng, dù cơ quan chức năng khẳng định đã tích cực khoanh vùng dập dịch. 

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tới ngày 8/7, khu vực Tây Nguyên ghi nhận 68 ca dương tính với bạch hầu. Đắk Lắk là tỉnh mới nhất ghi nhận ca mắc đầu tiên, Đắk Nông có 27 ca; Gia Lai có 16 ca; Kon Tum có 24 ca; Đắk Lắk có 1 ca. Trong đó, có 3 trường hợp tử vong, đều là người sống ở vùng sâu, vùng xa và được phát hiện muộn.

Về độ tuổi của người mắc bạch hầu, có 3 trường hợp dưới 1 tuổi, 8 trường hợp từ 1 tới 7 tuổi, 37 ca từ 8 tới 40 tuổi, 5 trường hợp trên 40 tuổi. Đa số các bệnh nhân đều không được tiêm vaccine có chứa thành phần phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch.

Báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về kết quả tiêm chủng 5 tháng đầu năm 2020 cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng các vaccine chứa thành phần bạch hầu cho trẻ thấp. Do vậy, để khống chế dịch bệnh, đảm bảo duy trì miễn dịch cộng đồng, việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên là cần thiết.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN