Chủ nhật, 19/01/2025 | 13:36
RSS

FBI giải mã thành công đầu xác ướp 4.000 tuổi tại Ai Cập

Thứ hai, 09/04/2018, 22:00 (GMT+7)

Đầu xác ướp 4.000 tuổi tại Ai Cập chứa đầy bí ẩn đã chính thức được FBI giải mã thành công.

Đầu xác ướp 4.000 tuổi tại Ai Cập được tìm thấy từ năm 1915 từng là đề tài tranh cãi suốt một thời gian dài trong giới nghiên cứu. Theo nhiều nguồn tin, ngôi mộ thuộc về một quan chức tên Djehutynakht và vợ ông nhưng người ta không thể chắc chắn về chiếc đầu xác ướp.

Theo giả thuyết, đầu của xác ướp 4.000 năm nói trên được tìm thấy ở hố sâu gần 10m, trong một ngôi mộ đã bị cướp phá. Trong quá trình lục lọi tìm kiếm trang sức, đá quý, những kẻ đào mộ đã làm xê dịch xác ướp của hai vợ chồng. Chiếc đầu mất thân được tìm thấy bên trên quan tài của vị thống đốc. Không những vậy, chiếc đầu thêm nhiều thiệt hại trong quá trình các nhà khảo cổ truy tìm danh tính chiếc đầu.

“Chúng tôi chưa từng biết cái đầu xác ướp là của ông Djehutynakht hay bà Djehutynakht” - chuyên gia Rita Freed, người quản lý tại Bảo tàng Nghệ thuật Boston, cho biết. Bảo tàng này là nơi lưu giữ tất cả hiện vật được tìm thấy trong hầm mộ đó kể từ năm 1920 đến nay.

Đầu xác ướp 4000 tuổi tại Ai Cập chính thức được FBI giải mã thành công. Ảnh: Internet
Đầu xác ướp 4000 tuổi tại Ai Cập chính thức được FBI giải mã thành công. Ảnh: Internet

Giờ đây, gần 100 năm sau phát hiện trên, một nghiên cứu do FBI công bố hồi tháng 3 trên chuyên san Genes đã xác nhận chiếc đầu xác ướp là nam giới, do đó nó thuộc về vị thống đốc.

Đối với chuyên gia Freed, điều này không chỉ vén màn bí ẩn đã tồn tại suốt 100 năm qua mà còn là bằng chứng cho bước tiến trong công nghệ xét nghiệm ADN.

"Giờ đây chúng ta biết là FBI đã phát triển một công nghệ có thể tái tạo được những mẫu ADN đã xuống cấp. Nếu họ có thể tái tạo mẫu ADN từ một chiếc răng 4.000 năm tuổi, họ cũng có thể tái tạo nó từ mọi thứ" - bà nói.

Tuổi thọ của chiếc đầu cùng môi trường sa mạc đã khiến việc trích xuất ADN trở nên khó khăn. Nhà khoa học về giám định tại FBI Odile Loreille cho biết ADN bị phân rã nhanh hơn trong nhiệt độ cao. Nhiều người từng tin rằng sẽ không ai có thể tái tạo ADN từ các xác ướp Ai Cập nhưng đến năm 2017, các nhà khoa học ở Đức lần đầu tiên giải mã được bộ gen của người Ai Cập cổ đại.

N.P (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN