Anh Nguyễn Văn Mạnh (Phương Mai, Hà Nội) cho biết, vợ chồng anh bị F0 đã được nửa tháng nay. Tới giờ đã hết thời gian cách ly nhưng nghĩ cảnh đi xin giấy xác nhận là F0 khổ quá nên anh cũng từ bỏ luôn ý định làm giấy chứng nhận để xin hưởng chế độ nhận BHXH.
"Nghĩ tới cảnh bạn bè mình lũ lượt xếp hàng, kéo cả nhà ra trạm y tế phường làm test nhanh thấy hãi. Đã ốm, mệt lại còn thêm bực, nghĩ thế nên thôi mình không xin và thanh toán chế độ luôn", anh Mạnh nói.
Hình ảnh người dân chen chân chờ lấy mẫu test khiến nhân viên y tế quá tải. Ảnh: Gia Khiêm
Không riêng gì anh Mạnh, nhiều lao động là F0 điều trị ngoại trú cũng từ bỏ ý định xin giấy xác nhận là F0 để hưởng chế độ ốm đau từ BHXH vì thấy đi xin giấy tờ phức tạp.
Anh Nguyễn Duy Minh, 39 tuổi (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Dù nghe nói giờ Hà Nội đã tháo gỡ bớt thủ tục và trạm y tế đồng ý cấp giấy xác nhận nghỉ ốm để thanh toán chế độ BHXH cho lao động khi là F0 nhưng nhà tôi giờ đã khỏi bệnh, giờ ra xin thì lại không được".
Theo hướng dẫn mới nhất ngày 28/2, BHXH Việt Nam cho biết: "Theo quy định tại Điều 25 Luật BHXH năm 2014, người lao động (NLĐ) bị ốm đau hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau mà có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền sẽ được hưởng chế độ ốm đau. Chế độ này hiện được áp dụng để chi trả cho NLĐ bị mắc Covid-19 và nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị mắc Covid-19".
Để được hưởng chế độ này, NLĐ cần phải có Giấy ra viện (đối với F0 điều trị nội trú) hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc Giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú (đối với F0 điều trị ngoại trú- điều trị tại nhà).
Đây chính là khó khăn cho các F0 điều trị tại nhà vì hiện chưa có quy định trạm y tế, UBND phường, xã được chứng nhận "Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH" cho F0 điều trị tại nhà.
Bà Nguyễn Thùy Phương - Trưởng phòng BHXH ngắn hạn Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã nhận được nhiều cuộc điện thoại thắc mắc của các F0 điều trị tại nhà nhưng không được cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH; hoặc F0 điều trị tại Bệnh viện dã chiến không được cấp Giấy ra viện.
Theo phản ánh, người lao động là F0 chỉ được cấp Giấy chứng nhận ra viện hoặc hoàn thành điều trị, cách ly. Các loại giấy tờ này đều không đúng với mẫu Thông tư 56 của Bộ Y tế quy định, dẫn đến BHXH không thể thanh toán chế độ cho người lao động.
Người dân chen chân xếp hàng chờ xét nghiệm tại Trạm Y tế phường Hoàng Liệt ngày 21/2. Ảnh: Gia Khiêm
"Nhiều người bức xúc cho rằng BHXH gây khó dễ nhưng chúng tôi không thể linh động thực hiện được vì chúng tôi phải thực hiện đúng theo quy định về hồ sơ trình tự, thủ tục. Nếu dùng những giấy tờ không đúng quy định để chi trả chế độ thì khi cơ quan thanh tra, kiểm tra thì sau này buộc phải thu hồi số tiền đã chi", bà Phương nói.
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam đã có kiến nghị với cơ quan y tế, yêu cầu cơ quan y tế sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp lao động tiếp cận được chế độ, quyền lợi.
"Thực tế hiện nay, nhiều F0 triệu chứng nhẹ chỉ test nhanh thông báo với cơ quan y tế và cách ly điều trị tại nhà. Vì thế nhiều F0 không được cấp giấy ngay tại thời điểm nghỉ ốm mà thường sau khi điều trị khỏi bệnh mới đến y tế phường xin giấy. Do đó, ngày cấp ghi trên giấy bị lệch so với thời điểm người lao động bắt đầu nghỉ việc để điều trị Covid-19. Điều này cũng không đúng với quy định tại Thông tư 56 là giấy đó phải cấp trước hoặc trùng với thời gian lao động khám, chữa bệnh, ra viện hoặc nghỉ ốm", bà Phương nói thêm.
Bà Phương cho rằng đây cũng là vướng mắc lớn cần xem xét điều chỉnh để lao động được tiếp cận quyền lợi.
Hiện tại, Sở Y tế Hà Nội cũng đã có công văn hướng dẫn các trạm y tế xã, phường thị trấn cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho lao động là F0 điều trị tại nhà. Sở Y tế các địa phương như TPHCM, Thanh Hóa Nghệ An cũng đã có chỉ đạo các trạm y tế cấp Giấy nghỉ ốm cho người lao động. Với các tỉnh thành mà ngành y tế chưa có hướng dẫn, đành phải chờ.
Bà Phương cũng cho biết, thực tế BHXH đã nhiều lần kiến nghị Bộ Y tế về việc chấp nhận giấy chứng nhận F0 và hoàn thành thời gian cách ly để làm căn cứ thanh toán chế độ cho lao động nhưng nhận được phản hồi là "thực hiện theo quy định hiện hành". Tức yêu cầu F0 điều trị nội trú phải có Giấy ra viện và ngoại trú có Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Quy định này gây quá tải cho y tế tuyến cơ sở và bức xúc với người bệnh.
Trước đó, vào ngày 25/2, sau khi ghi nhận thực tế, lắng nghe đề xuất, Ủy ban pháp luật đã đề nghị sửa đổi các văn bản quy định cấp giấy xác nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho F0 điều trị tại nhà.
Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, người lao động bị ốm đau mà phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì được chi trả trợ cấp ốm đau bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ. Người lao động nhận giấy xác nhận nghỉ việc nộp lại cho doanh nghiệp để chuyển cho BHXH làm thủ tục hưởng chế độ. |