Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:02
RSS

Du học sinh Việt sẽ ra sao trước sắc lệnh mới của Donald Trump?

Chủ nhật, 05/02/2017, 10:30 (GMT+7)

Một bộ phận du học sinh Việt và sinh viên nước ngoài đang lo lắng về số phận của mình sau khi sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump ra đời hồi tuần trước.

Chị Quyên Nguyễn – du học sinh Việt Nam hiện sống ở thành phố Chico thuộc bang California cho hay nhiều bạn bè của chị tuy có thẻ thường trú nhân song không dám đi du lịch ra khỏi nước Mỹ vì lo sợ không nhập cảnh lại được.

Trong vài ngày qua, anh N.M.Q, 21 tuổi, sinh viên Việt Nam đang lưu trú tại Quận Cam, cảm thấy vô cùng may mắn vì năm nay không quay về Việt Nam đón tết dù rất nhớ nhà. Nhờ sự cảnh báo của người quen ở thành phố Buena Park, anh Q. quyết định hoãn chuyến đi để chờ các chính sách mới sau khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng từ ngày 20/1/2017.

Sau khi quan sát tình hình hỗn loạn những ngày qua do sắc lệnh về di dân và nhập cư của ông Trump, sinh viên Việt Nam này cho rằng tốt nhất là không đi đâu cả cho đến khi có sự bảo đảm chắc chắn rằng mình vẫn có thể quay lại trường sau đó.

Lo ngại khả năng chương trình DACA bị xóa bỏ, một nhóm các nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã đề xuất một dự án có tên gọi Đạo luật Cầu nối (Ảnh internet)

Nếu các sinh viên quốc tế tại Mỹ như anh Q. chưa quá lo ngại về sắc lệnh hành pháp trên, thì họ đặc biệt lưu tâm đến các tin tức mà báo đài Mỹ loan tải trong vài ngày gần đây liên quan đến dự thảo về các sắc lệnh hành pháp nhằm cải tổ các chương trình thị thực việc làm.

Đáng chú ý nhất trong số này là dự thảo về chương trình Đào tạo thực tiễn tùy chọn (OPT), cho phép sinh viên nước ngoài đạt bằng cấp cao được quyền lưu trú từ 12 đến 29 tháng để làm việc tại Mỹ, và thị thực H-1B là phương tiện chính của các công dân thế giới đến Mỹ làm việc. Hiện chỉ tiêu H-1B mỗi năm là 85.000 chỗ, theo trang tin Quartz.

Trả lời Thanh Niên, anh T.Trương bày tỏ lo lắng về dự luật do thượng nghị sĩ Zoe Lofgren ở Thung lũng Silicon đề xuất, vốn yêu cầu một lao động nước ngoài cần phải kiếm được hoặc nhận được đề nghị trả thu nhập hơn 130.000 USD/năm nếu muốn được cấp thị thực H-1B.

Tuy nhiên, tình hình sẽ khác hoàn toàn trong trường hợp dự luật do bà Lofgren đề xuất được thông qua, vì viễn cảnh trục xuất có thể trở thành hiện thực đối với phần đông sinh viên quốc tế đang theo học tại Mỹ. Cũng theo anh Trương: “Nếu dự luật đó thành luật, sau này toàn bộ sinh viên quốc tế sẽ rất khổ”.

Anh Trương cho biết mình tự tin có thể đảm bảo được mức lương xin thị thực H-1B hiện tại là tối thiểu 60.000 USD/năm, được áp dụng từ năm 1989, sau khi tốt nghiệp bằng đại học chuyên ngành y tá - Theo Dân Trí cho hay.

Theo chị N.B.N đang làm việc cho Hãng Google tại thành phố Mountain View thuộc bang California, nhiều đồng nghiệp của chị hiện không dám về nước thăm người thân vì họ là công dân của 7 quốc gia có trong “danh sách đen” và họ cũng chỉ mới có thị thực làm việc tại Mỹ.

Mỹ chưa điều chỉnh danh sách 7 nước

Về các tin đồn cho rằng Nhà Trắng chuẩn bị mở rộng danh sách hạn chế di trú sang các nước khác, Hiệp hội Luật sư di trú Mỹ (AILA) ngày 2.2 dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao nước này cho hay không có bất kỳ phụ lục, phụ chương hoặc điều chỉnh nào theo hướng bổ sung tên các nước khác vào danh sách này.

Một ngày trước, tờ Philippine Star gây náo loạn khi dẫn nguồn từ Công ty luật Hammond Group LLC ở bang Ohio cảnh báo sắc lệnh hành pháp của ông Trump có thể điều chỉnh để thêm các nước/vùng lãnh thổ như Ai Cập, Li Băng, Afghanistan, Pakistan, Colombia, Venezuela, miền nam Philippines, Mali. Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh không có chuyện này và đề nghị AILA hỗ trợ dập tắt tin đồn thất thiệt.

 

An Bình (t/h)
Theo Đời sống Plus