Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:57
RSS

Dự báo Hà Nội đạt "đỉnh" dịch 2 tuần tới: Học sinh đi học thế nào?

Thứ bảy, 05/03/2022, 07:33 (GMT+7)

Các trường học đang lên phương án khi theo dự báo của các chuyên gia, số ca mắc ở Hà Nội có thể đạt đỉnh trong nửa tháng tới.

Thông tin tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP.Hà Nội mới đây, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết: "Dịch ở Hà Nội có thể đạt đỉnh trong hai tuần tới, tạo áp lực cho y tế cơ sở".

Dẫn nhận định trên của chuyên gia, ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh hai tuần tới là thách thức rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp đưa ra giải pháp phù hợp.

Có thể dễ dàng nhận thấy tốc độ gia tăng F0 trên địa bàn Hà Nội đã tác động đến mọi mặt đời sống của người dân trong những ngày gần đây, trong đó có giáo dục

Các trường lên phương án đối phó với "đỉnh" dịch

Trao đổi với PV báo Dân Việt, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của Sở GDĐT Hà Nội, địa bàn cấp độ dịch 1, 2 thì mở cửa đón học sinh đến trường học offline, cấp độ 3, 4 thì cho học sinh ở nhà học online. Trong 3 tuần đầu từ ngày 8-26/2, học sinh của trường được đi học trực tiếp. Tuy nhiên, sang tuần 4 (tức ngày 28/2-5/3) chỉ có học sinh cơ sở Văn Phú đi học trực tiếp, cơ sở Mỹ Đình học online.

Dự báo Hà Nội đạt đỉnh dịch 2 tuần tới: Học sinh đi học thế nào?

Thầy Nguyễn Xuân Khang đón học sinh đi học trực tiếp ngày 8/2. Ảnh: FBNT

Theo chia sẻ của thầy Khang, sắp tới nếu Hà Nội đạt "đỉnh" dịch sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể để trường đưa ra phương án xử lý. Cụ thể, đối với trường hợp khi học sinh bị F0, F1 (cách ly ở nhà), nếu số học sinh đến trường bằng hoặc lớn hơn 50% thì lớp học offline. Ngược lại, dưới 50% thì lớp chuyển sang học online.

Khi giáo viên bị F0,F1 (cách ly ở nhà) sẽ có 3 phương án. Phương án 1: Giáo viên cùng môn dạy offline thay thế. Phương án 2: Giáo viên môn khác dạy offline thay thế. Phương án 3: Nếu giáo viên không có triệu chứng, ở nhà dạy online, học sinh khi đó có thể học offline hoặc online. Tuy nhiên phương án này sẽ hạn chế áp dụng để tạo điều kiện học tốt nhất cho học sinh.

"Nhà trường chủ động, linh hoạt xử lý tình huống trên tinh thần chọn phương án tối ưu vừa đảm bảo chống dịch vừa duy trì dạy và học tốt nhất có thể. Cách xử lý tình huống của trường Marie Curie nói trên đã được giáo viên, học sinh và phụ huynh đồng thuận", thầy Khang nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, đại diện Trường THCS và THPT Ban Mai, quận Hà Đông cho hay: "Trường hiện sẽ bám sát chỉ đạo của thành phố, Sở và tùy vào tình hình cụ thể sẽ phối hợp với Hội đồng cha mẹ học sinh để đảm bảo cho học sinh học online/offline phù hợp với diễn biến dịch và sức khỏe của học sinh.

Với học sinh bị F0, sức khỏe không đảm bảo việc học tập liên tục các thầy cô tạo điều kiện cho học sinh nghỉ học, xem lại ghi âm bài giảng trên hệ thống. Và đặc biệt các cô sẽ phụ đạo cho học sinh nếu chưa hiểu bài hoặc gặp khó khăn trong việc tiếp thu bài tập".

Lo ngại học sinh nghỉ học quá lâu

Cô Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm bày tỏ: "Hiện nay trường thuộc vùng 3 nên đang học online. Tuy nhiên, trường luôn trong tâm thế dạy trực tiếp/trực tuyến bất kỳ lúc nào. Mặc dù vô cùng vất vả nhưng giáo viên, học sinh, phụ huynh không hoang mang mà thích ứng linh hoạt.

Theo cô Lý, tỷ lệ học sinh F0 thời điểm hiện tại khoảng 20% và giáo viên là 30%. "Giáo viên sẵn sàng 1 lớp học 3 điểm cầu. Điểm cầu chính tại lớp học, điểm cầu thứ 2 là giáo viên có thể dạy online, điểm cầu thứ 3 là học sinh online. Lớp học nào cũng trang bị wifi tận lớp, máy tính, máy chiếu, loa kết nối... sẵn sàng dạy và học trực tuyến", cô Lý cho biết.

Dự báo Hà Nội đạt đỉnh dịch 2 tuần tới: Học sinh đi học thế nào?

Phòng làm việc của các thầy cô Trường THCS Nguyễn Du sẵn sàng trong mọi tình huống dạy online/offline linh hoạt. Ảnh: FBNT

Tuy nhiên, vấn đề cô Lý trăn trở chính là giáo viên thì cung cấp, bổ trợ thường xuyên kiến thức cho học sinh nhưng các em có dấu hiệu ngại học sau thời gian dài ở nhà.

"Nhà trường mong nhanh chóng sớm đẩy lùi dịch bệnh cho học sinh đến trường để thầy cô "ốp" học cho các em. Chất lượng sau 1 năm học sinh học online chỉ đạt khoảng 30-35%. Các em bị ảnh hưởng tâm lý rất nhiều và nhiều em viện cớ chỉ muốn học trực tuyến ở nhà. Thầy cô kiểm tra, đôn đốc nhưng có tình trạng học sinh không làm bài tập hoặc chép bài của nhau", cô Lý chia sẻ.

Theo thống kê của Sở GDĐT, số học sinh đi học trực tiếp liên tục giảm. Khối THPT giảm từ tỷ lệ trên 90% những ngày đầu xuống còn trên 75%; khối THCS còn hơn 77 % đến trường. Nguyên nhân do số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội liên tục tăng cao, hàng nghìn học sinh, giáo viên trở thành F0. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh không yên tâm cho con đi học trực tiếp nên cũng xin ở nhà học trực tuyến.

Vì vậy, khó khăn, áp lực nhất với các trường bây giờ và khi Hà Nội có thể đạt "đỉnh" dịch chính là phải xoay xở, tổ chức, phân công giáo viên vừa dạy online vừa dạy offline vì không đủ số lượng.

 

Tào Nga
Theo Dân Việt