Ngày 3/3, báo Người lao động dẫn nguồn từ Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch covid-19 tỉnh Quảng Bình cho biết, địa bàn vừa ghi nhận thêm 2.306 ca Covid-19 (tính từ 6 giờ ngày 2/3 đến 6 giờ ngày 3/3).
Đây là ngày thứ 3 liên tiếp, tỉnh này ghi nhận số ca bệnh tăng cao kỷ lục với trên 2.200 ca/ngày. Trong 3 ngày qua (1/3 đến 3/3), Quảng Bình đã ghi nhận tới gần 7.000 ca Covid-19. Tính tổng ca bệnh cộng dồn từ trước đến nay là 31.493.
Trước tình hình số ca nhiễm cộng đồng tăng cao, UBND tỉnh Quảng Bình vừa chỉ đạo Sở GD-ĐT đưa ra các phương án dạy học linh hoạt tùy vào cấp độ dịch ở từng địa phương, đảm bảo chương trình kết thúc đúng kế hoạch. Hiện có 16 đơn vị được phân loại là cấp độ dịch 1, có 38 đơn vị cấp độ 2, có 86 đơn vị cấp độ 3 và 11 đơn vị cấp độ 4.
Bản đồ phân cấp độ nguy cơ dịch ở Quảng Bình. Ảnh:Thanh Niên.
Theo Thanh Niên, ngày 4/3, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình đã đưa ra các phương án để hướng dẫn cho các địa phương tổ chức dạy học linh hoạt. Cụ thể, các huyện, thị xã, thành phố thuộc cấp độ dịch 3 và 4 sẽ tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thuộc cấp độ dịch 1 và 2 sẽ tiếp tục học trực tiếp. Tuy nhiên, nhà trường vẫn chuẩn bị đầy đủ thiết bị, phương tiện sẵn sàng để chuyển sang dạy học trực tuyến khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đồng thời, các trường tổ chức dạy bù cho những học sinh trở về từ vùng giãn cách, khu cách ly và những học sinh không có điều kiện học trực tuyến.
Khi tổ chức dạy học trực tiếp, nhà trường phải đảm bảo giãn cách phù hợp, an toàn trong công tác phòng chống dịch: lớp học có không quá 25 học sinh/phòng; bố trí lệch giờ đến trường và giờ kết thúc buổi học của từng khối lớp; quản lý học sinh khi ra chơi để hạn chế tiếp xúc gần.
Học sinh học trực tuyến. Ảnh Thanh Niên.
Cơ sở giáo dục mầm non sẽ ưu tiên dạy học trực tiếp cho trẻ 5 tuổi để đảm bảo hoàn thành chương trình. Trường tiểu học ưu tiên dạy học trực tiếp cho lớp 1, 2. Trường THCS, THPT, Trung tâm giáo dục dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên... ưu tiên dạy học trực tiếp cho lớp 6, 9, 12.
Tại Bạc Liêu, chiều 2/3, UBND TP.Bạc Liêu chính thức có công văn cho phép một số trường như: Tiểu học Phùng Ngọc Liêm, Tiểu học Trần Phú, THCS Trần Huỳnh, THCS Võ Thị Sáu chuyển sang dạy học trực tuyến. Riêng Trường Mầm non Hoa Sen tạm dừng tiếp nhận trẻ. Thời gian thực hiện từ ngày 3/3 đến khi có thông báo mới.
Tại Đồng Nai, ngày 3/3, UBND huyện Trảng Bom chỉ đạo tạm dừng đến trường đối với 9 trường học trên địa bàn 2 xã Trung Hoà và Đông Hoà. Đây là hai xã có cấp độ dịch vùng cam theo quy định mức độ dịch. Trong 9 trường tạm dừng đến trường có 2 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 2 trường THCS và 1 trường THPT. Đối với các trường TH, THCS và THPT sẽ chuyển sang học trực tuyến, còn trường mầm non sẽ dừng đến trường cho đến khi có thông báo mới.
Tại TPHCM, Sở GDĐT đã có văn bản giao quyền chủ động cho hiệu trưởng các trường trong việc quyết định hình thức dạy học phù hợp và linh hoạt trong thời kỳ bình thường mới.
Tại Tây Ninh, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều trường học tại tỉnh này đã cho học sinh học trực tuyến trong vòng một tuần kể từ ngày 2/3.
Tại Hà Giang, UBND tỉnh Hà Giang quyết định cho học sinh các cấp tại TP Hà Giang, huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình nghỉ học trực tiếp đến hết ngày 12/3.