Chủ nhật, 19/01/2025 | 12:06
RSS

Dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1: Vì sao chủ đầu tư bị tố cáo?

Thứ năm, 19/09/2019, 13:30 (GMT+7)

Được coi là dự án cấp quốc gia nhưng dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 (tỉnh Bình Thuận) đang chậm tiến độ và bị hàng loạt nhà đầu tư tố cáo đến các cơ quan chức năng về việc góp vốn nhiều tỷ đồng nhưng không thể đòi lại…

Dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1: Vì sao chủ đầu tư bị tố cáo?

Dự án  Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 vẫn chỉ là bãi đất trống, vương vãi rác.

Nguy cơ mất hàng chục tỷ đồng khi góp vốn

Theo đơn kêu cứu gửi Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) và UBND tỉnh Bình Thuận mới đây, ông Nguyễn Đăng Tài (trú tại TP Hà Nội) đã cùng một phụ nữ góp hơn 4 tỷ đồng để đầu tư vào dự án Khu Công nghiệp Sơn Mỹ 1 (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) do Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh hạ tầng Khu Công nghiệp Sơn Mỹ do ông Trương Đình Xuân làm Chủ tịch Hội đồng thành viên và ông Trương Ngọc Thanh làm Giám đốc đại diện pháp luật

Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác, ông Tài phát hiện ông Xuân và ông Thanh có dấu hiệu huy động tiền mặt dưới hình thức sẽ cho làm đơn vị thầu thứ cấp để khai thác cát và titan trong diện tích của khu công nghiệp được cấp phép. “Thực chất, ông Thanh và ông Xuân chưa có làm bất cứ một nghĩa vụ trách nhiệm tài chính, thủ tục hành chính cơ bản nào với tỉnh để nhanh chóng đưa khu công nghiệp vào hoạt động như cam kết ban đầu với chúng tôi” ông Tài nói.

Ngoài ra, theo nhà đầu tư thứ cấp này, ông Thanh và ông Xuân có dấu hiệu rao bán lại khu công nghiệp cho các doanh nghiệp khác khiến họ lo sợ số tiền hợp tác sẽ bị mất. 

Tương tự như vậy, trong đơn gửi cơ quan chức năng, ông Bùi Khắc Tiệp - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Minh Hoàng (địa chỉ Tổ 2 Khu vực 1 Phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn tỉnh Bình Định) đã tố cáo Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh hạ tầng Khu Công nghiệp (KCN) Sơn Mỹ là chủ đầu tư xây dựng dự án xây dựng hạ tầng kết cấu KCN Sơn Mỹ về việc bị lừa tạm ứng tiền. 

Theo ông Tiệp, vào tháng 3/2018, công ty của ông có ký hợp đồng hợp tác liên doanh khai thác thu hồi khoáng sản Titan-Zircon tại Khu công nghiệp Sơn Mỹ với Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh hạ tầng Khu Công nghiệp (KCN) Sơn Mỹ. Một tháng sau đó, công ty của ông Tiệp lần lượt chuyển cho Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh hạ tầng Khu Công nghiệp (KCN) Sơn Mỹ tổng cộng là 7 tỷ đồng vì tin tưởng được ông Xuân và ông Thanh hứa hẹn sau 3 tháng kể từ ngày ứng tiền sẽ có giấy phép khai thác, tận thu khoáng sản. Tuy nhiên, đã 16 tháng kể từ ngày lấy tiền, công việc vẫn không tiến triển. “Khi chúng tôi chất vấn thì ông Xuân và ông Thanh vẫn cứ vòng vo hứa hẹn tháng này qua tháng nọ” ông Tiệp than thở.

Cũng theo ông Tiệp, hiện dự án vẫn chưa khai thác, việc đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn dậm chân tại chỗ vì công ty Sơn Mỹ không có khả năng tài chính. Nhiều lần gọi điện cho ông Thanh, ông Xuân nhưng họ không nghe máy. “Theo nhiều nguồn tin mà chúng tôi biết, không phải một mình công ty của chúng tôi mà còn nhiều nạn nhân khác” ông Tiệp chia sẻ. 

Cả ông Tiệp và ông Tài đều cho rằng, qua tìm hiểu được biết, ông Xuân và ông Thanh, hiện công ty Sơn Mỹ vì không có khả năng tài chính thực hiện dự án nên đã rao bán Khu Công nghiệp với tất cả các đối tác trong và ngoài nước. 

Họ đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận có biện pháp ngăn chặn hành vi của của công ty này để tránh gây thiệt hại, sớm thu hồi được khoản tiền lớn đầu tư vào đây. 

Dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1: Vì sao chủ đầu tư bị tố cáo?

Các nhà đầu tư lo lắng vì tiến độ dự án dậm chân tại chỗ.

Cơ quan chức năng nói gì? 

Trước sự việc trên, một lãnh đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận xác nhận, cơ quan này có nhận được đơn tố cáo Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh hạ tầng Khu Công nghiệp (KCN) Sơn Mỹ lợi dụng chức năng, lòng tin để ký hợp đồng liên doanh, liên kết cùng nhau khai thác, tận thu khoáng sản Titan-Zircon tại KCN Sơn Mỹ 1, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty TNHH Sản xuất Thương Mại Dịch vụ Trung Hùng; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Minh Hoàng và cá nhân ông Nguyễn Đăng Tài. Ngày 19/8, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận có công văn chuyển đơn kêu cứu của ông Nguyễn Đăng Tài.

Về chủ trương khai thác tận thu khoáng sản Titan-Zircon và cát trắng trong diện tích đầu tư tại Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, vị lãnh đạo Ban quản lý các KCN khẳng định, từ năm 2013, Chính phủ đã chỉ đạo không cấp phép khai thác tận thu quặng titan sa khoáng. 

Ngày 20/9/2017, trả lời công văn của Tổng cục địa chất và Khoáng sản Việt Nam UBND tỉnh Bình Thuận nêu rõ: “Qua triển khai quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến 2030 được Chính phủ phê duyệt đến nay đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập.

Ban thường vụ tỉnh uỷ, UBND tỉnh đang tập trung kiến nghị và chỉ đạo rà soát điều chỉnh quy hoạch titan nói trên theo hướng cắt giảm diện tích thăm dò, khai thác quặng sa khoáng titan”. 

Dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 là dự án cấp quốc gia, tỉnh đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh. “Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận chưa thống nhất chủ trương tận thu quặng sa khoáng titan và cát trắng trước khi thực hiện đầu tư dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1” vị lãnh đạo khẳng định. 

Hiện văn bản này được UBND tỉnh Bình Thuận công khai, gửi nhiều cơ quan, ban ngành của tỉnh, UBND huyện Hàm Tân và có gửi trực tiếp cho công ty An Trường An, là thành viên Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh hạ tầng Khu Công nghiệp (KCN) Sơn Mỹ.

Theo vị lãnh đạo Ban quản lý KCN, việc liên doanh, liên kết cùng nhau khai thác tận khu khoáng sản Titan-Zircon tại Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 của các bên là “không có cơ sở pháp lý, không phù hợp với chủ trương nhất quán của tỉnh”. Vấn đề này, ông Trương Đình Xuân- Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh hạ tầng KCN Sơn Mỹ đã biết rõ như vậy vẫn ký hợp đồng liên doanh, liên kết, thực hiện huy động vốn của các bên là không đúng pháp luật.

Về việc tố cáo Công ty Sơn Mỹ không có khả năng tài chính để thực hiện dự án, đang tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước để chuyển nhượng dự án, Ban quản lý các KCN tỉnh Bình Thuận sẽ ghi nhận, lưu ý trong quá trình tham mưu UBND tỉnh xem xét chỉ đạo các ngành chức năng thẩm tra, xem xét. 

Ban quản lý các KCN tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị, các tổ chức và cá nhân có tranh chấp với ông Trương Đình Xuân tiếp tục trao đổi thoả thuận để thống nhất giải quyết, nếu không được thì khởi kiện ra toà theo quy định pháp luật.

Đầu năm 2018, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ (viết tắt là Công ty IPICO) được cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án Khu công nghiệp (KCN) Sơn Mỹ 1 trên địa bàn huyện Hàm Tân. 

Dự án có diện tích đất tự nhiên 1.070 ha, việc triển khai dự án KCN Sơn Mỹ 1 cũng được xác định tiến độ cụ thể, trong đó giai đoạn 1: Từ quý I/2018 đến quý IV/2020 tập trung công tác đền bù giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng 615,25 ha. Còn vào giai đoạn 2: Từ quý I/2021 đến quý IV/2025 sẽ tập trung công tác đền bù giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng 454,75 ha của KCN.

Tuy nhiên, theo Ban quản lý các KCN Bình Thuận, dự án triển khai còn rất chậm, nhất là những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư. Trong đó, Công ty IPICO chưa đẩy nhanh tiến độ dự án và không chuyển kịp thời kinh phí khoảng 17,4 tỷ đồng để UBND huyện Hàm Tân thanh toán cho Tổng công ty IDICO… Do vậy, Ban quản lý các KCN Bình Thuận đề xuất UBND tỉnh gia hạn thêm thời gian và nếu tiếp tục chậm trễ sẽ thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp cho Công ty IPICO.

Huy Quân - Phương Thảo
Theo Đời sống Plus/GĐVN