Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:02
RSS

Đối tượng dùng hung khí khống chế nữ điều dưỡng ở Thường Tín đối diện với hình phạt nào?

Chủ nhật, 29/10/2017, 15:33 (GMT+7)

Liên quan đến vụ dùng hung khí khống chế nữ điều dưỡng ở Thường Tín, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) đã đưa ra ý kiến về vụ việc này.

Đối tượng dùng súng khống chế y tá ở Thường Tín bị xử lý ra sao
Đối tượng khống chế nữ y tá ở Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh) cho biết, quyền bất khả xâm phạm về thân thể là một trong những quyền tự do cá nhân rất quan trọng của công dân. Điều 9 Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người năm 1948: “Không ai bị bắt, giam giữ hay đày đi nơi khác một cách độc đoán”. 

Điều 9 Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị năm 1966 cũng ghi nhận: “Ai cũng có quyền tự do thân thể và an ninh thân thể. Không ai có thể bị bắt giữ hay giam cầm độc đoán. Không ai có thể bị tước đoạt tự do thân thể ngoại trừ những trường hợp và theo những thủ tục luật định”. 

Trên cơ sở này, Điều 20 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe xúc phạm danh dự, nhân phẩm. 

Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định”.

Theo thông tin, sáng 29/10, nam thanh niên vào Bệnh viện Tâm thần trung ương I (huyện Thường Tín), sau đó bất ngờ khống chế một nữ điều dưỡng (thông tin ban đầu là nữ y tá) lên taxi, ép di chuyển ra khu vực quốc lộ 1A cũ.

Khi đi đến đường Trần Phú (Thường Tín), tài xế lao ra khỏi xe bỏ chạy. Sau đó, nam thanh niên tiếp tục khống chế nữ con tin đưa vào khu vực cửa hàng hoa sát với số nhà 105. 

"Anh ta cầm vật giống như khẩu súng, ghì qua cổ con tin, tay phải lăm lăm dao uy hiếp", một nhân chứng kể. Hàng chục công an đã tới hiện trường, vận động nam thanh niên thả người nhưng bất thành.

Các chiến sỹ công an thuyết phục đối tượng khống chế nữ hộ lý

Đến 10h30, một xe Innova biển xanh được cảnh sát điều đến để chở ba người trong đó có con tin và một người bạn của kẻ khống chế. Trưa cùng ngày, đại tá Đỗ Đức Cường (Trưởng Công an huyện Thường Tín) cho biết, nữ con tin đã được giải cứu, sức khỏe ổn định.

Xét hành vi của đối tượng đã sử dụng vũ lực khống chế ép buộc nữ hộ lý Bênh viện tâm thần TW lên xe taxi di chuyển đến khu vực cửa hàng hoa sát với số nhà 105 đường Trần Phú (Thường Tín) đã có dấu hiệu phạm "Tội bắt, giữ người trái pháp luật". Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự. Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. 

Hung khí 2 đối tượng dùng để uy hiếp khống chế nữ điều dưỡng

Động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra cũng cần phải làm rõ mục đích phạm tội để có căn cứ xử lý đúng bản chất vụ việc. Ví dụ như bắt giữ người nhằm mục đích để ép buộc đòi nợ thì sẽ bị xử lý tương ứng về Tội cướp tài sản; bắt giữ phụ nữ nhằm mục đích hiếp dâm thì bị truy cứu về Tội hiếp dâm,…

Trong trường hợp đối tượng, nếu có căn cứ xác định đối tượng khi thực hiện hành vi phạm tội do sử dụng chất ma bị ảo giác thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hậu quả đã gây ra theo Điều 14. 

Phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Bởi lẽ, pháp luật đã nghiêm cấm sử dụng sử dụng chất kích thích mạnh như ma túy. Nếu công dân cố tình sử dụng mà không làm chủ hành vi của mình gây hậu quả cho xã hội thì sẽ bị xử lý tương ứng theo quy định của pháp luật.

Đối tượng khống chế nữ điều dưỡng đã bị công an bắt giữ

Về khẩu súng đối tượng sử dụng khi thực hiện hành vi phạm tội, Cơ quan chức năng cần xác định đó là khẩu súng thật hay giả. Trường hợp nếu là súng thật thì cần thiết phải trưng cầu Cơ quan chuyên môn xác định là loại vũ khí quân dụng hay tương tự vũ khí quân dụng. Nếu là vũ khí quân dụng, đối tượng sẽ bị truy cứu TNHS về Tội tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng theo Điều 230 BLHS 1999 và Điều 307 BLHS 2015. Nếu khẩu súng đó là tương tự vũ khí quân dụng thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013.

Điều 123. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người thi hành công vụ;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Đối với nhiều người.
3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN