Thứ sáu, 19/04/2024 | 09:06
RSS

Đội cứu nạn giao thông 'áo xanh': 'Mong không ai bị bỏ rơi lúc hoạn nạn nhất'

Thứ bảy, 05/10/2019, 11:30 (GMT+7)

"Mình mong nhóm sẽ ngày càng mở rộng, hỗ trợ kịp thời người bị nạn, để họ không bị bỏ một mình lúc hoạn nạn nhất”, người sáng lập đội cứu nạn chia sẻ.

Đội cứu nạn giao thông tình nguyện

Các thành viên của Đội Sơ Cứu - Cứu Nạn Medic. Ảnh: NVCC

Thời gian gần đây, người dân ở Hà Nội có lẽ đã dần quen với hình ảnh của những tài xế công nghệ với một chiếc túi cứu thương đeo trên người. Những người được ưu ái cái tên đặc biệt như Angel City, đội Thiên Thần Áo Xanh hay đội Sơ Cấp Cứu…

Theo thông tin tìm hiểu, người sáng lập và cũng là đội trưởng sơ cứu này là Phạm Quốc Việt (sinh năm 1987, quê Thọ Nghiệp, Xuân Trường, Nam Định). Trong bài kêu gọi thêm thành viên vào nhóm được đăng tải trên fanpage mới đây, anh Việt đã thực sự khiến nhiều người ấn tượng với lời chia sẻ:

“Trong cuộc sống đầy biến động này, mỗi con người chúng ta đều cần có một tương lai tốt đẹp cho riêng mình, hay đều mong muốn những gì lớn lao nhất, an bình nhất cho bản thân và gia đình. Tôi và anh em trong đội cũng như các bạn, mong muốn lắm có thể kiếm được nhiều tiền, thật nhiều tiền để trang trải cho cuộc sống, nhưng ngoài kia có biết bao anh chị em còn đang gặp nạn cũng chỉ vì sự hối hả đó.

Tôi luôn suy nghĩ cần phải làm điều gì cần thiết hơn nữa cho cộng đồng, đặc biệt là hỗ trợ kịp thời cho người bị nạn, giúp họ có một cơ hội dù nhỏ để chữa lành”.

PV Đời sống Plus đã có cuộc trò chuyện với đội trưởng Phạm Quốc Việt để có những hiểu biết hơn về nhóm cũng như ý nghĩa cộng đồng tốt đẹp mà nhóm mang lại.

Đội cứu nạn giao thông tình nguyện2

Cách thành viên trong một cuộc họp. Ảnh: NVCC

- Chào Quốc Việt, anh có thể giới thiệu qua về đội sơ cứu của mình không?

Tên đầy đủ của nhóm là Đội Sơ Cứu - Cứu Nạn Medic, được thành lập vào tháng 9 vừa qua. Hiện tại nhóm có 9 thành viên và hơn 20 thành viên đang chuẩn bị học.Tôi vẫn đang tiếp tục nhận thêm thành viên, những bạn nào có thể học và sẵn sàng để giúp người tôi đều nhận vào đội hết. Vì càng nhiều người thì càng tương trợ nhanh hơn, kịp thời hơn.

Còn bản thân tôi, hơn 3 năm qua, mỗi ngày trên đường, tôi giúp được trung bình từ 2-4 người khi chẳng may họ gặp tai nạn. Tôi muốn giúp đỡ những nạn nhân và cả người gây tai nạn, có lẽ điều đó cần thiết hơn là những cuộc phân tranh đúng sai khi xảy ra va chạm giao thông

- Có thể nói anh đã làm được một việc rất đẹp trong cuộc sống hối hả ngày nay khiến nhiều người ngưỡng mộ. Vậy có một điều gì đó tác động khiến anh quyết định thành lập đội sơ cấp cứu này không?

Trước đây, tôi từng là nạn nhân của một vụ tai nạn ở vùng núi phía Bắc. Trên đường đi bộ về nhà, tôi và một người em bị người đi đường đâm trúng. Hai anh em tôi đã nằm trên đoạn đường vắng đó hơn 30 phút trong mưa, người em kia bị bất tỉnh tại chỗ còn tôi thì không thể cử động được.

Đội cứu nạn giao thông tình nguyện3

Câu slogan của đội sơ cứu. Ảnh: NVCC

Có vài người đi qua chỗ hai anh em nằm ở đó nhưng có lẽ họ sợ hãi hoặc sợ liên lụy hay hiểu lầm nên đã không dừng lại. Tôi chỉ biết nằm đó, dù đầu óc còn rất tỉnh táo nhưng không thể đứng dậy được. Tôi nhìn về phía xa xa thấy có những chiếc xe tải đang lao vun vút từ cầu Tân Hà (Tuyên Quang) xuống chỗ hai anh em đang nằm và lo ngại với tốc độ đó, họ sẽ không phanh được rồi lao vào anh em tôi.

Lúc đó tôi chỉ có suy nghĩ 1 điều duy nhất trong đầu là phải làm thế nào đó báo hiệu cho người đi qua đây biết rằng mình còn sống và họ sẽ giúp mình. Thế là tôi tập trung mọi suy nghĩ vào cánh tay phải của mình mà giơ lên. Cuối cùng may thay cũng có người dừng lại gọi thêm nguời và cảnh báo cho các phương tiiện biết ở đây xảy ra tai nạn.

Bên cạnh đó, việc thành lập đội này cũng là một phần vì ông ngoại đã mất của tôi. Ông ngoại tôi từng là Giám đốc Bệnh Viện phục hồi chức năng tỉnh Nam Định.

Ông luôn nói với tôi: “Y đức nhà mình đã có bao đời nay rồi, từ các cụ, đến ông bà và mẹ con hay các cậu, dì đều làm ngành này, chính vì thế nếu sau này con không làm được bác sĩ, thì hãy làm công việc gì đó có thể giúp người con nhé. Hãy làm điều gì tốt đẹp cho cộng đồng, vì nó nhất định sẽ trường tồn nếu như chúng ta dùng tâm để lan tỏa”.

Một điều ám ảnh tôi nữa, là trong thời gian vừa qua có rất nhiều vụ tai nạn mà người bị nạn bị bỏ rơi, hoặc không ai biết cách sơ cứu tốt nhất cho họ. 

Bởi vì tất cả những lý do trên, tôi đã kêu gọi thành lập ra đội này, trang bị cho họ kiến thức sơ cứu thực tế để giảm thiểu những người tai nạn bị bỏ rơi.

Đội cứu nạn giao thông tình nguyện4

Anh Phạm Quốc Việt - người sáng lập Đội Sơ Cứu - Cứu Nạn Medic. Ảnh: NVCC

- Anh có thể chia sẻ rõ hơn về việc học sơ cứu được không?

Chúng tôi được bên SSVN (Survival Skills Vietnam) hướng dẫn và có được các kỹ năng sơ cứu đơn giản. Khóa học chỉ hơn 8 tiếng nhưng có rất nhiều điều bổ ích, trang bị những kiến thức cần thiết để sơ cứu theo từng dạng vết thương từ duy trì hơi thở, cầm máu, bỏng, hay gãy xương...

Hiện tại, nhóm tôi vẫn đang hợp tác cùng SSVN nên không phát sinh chi phí nào cả. Vì bên tôi chưa có văn phòng để hoạt động, nên anh em thường tổ chức tại một quán cà phê ở khu hồ Hoàng Cầu và được quán hỗ trợ cho nơi họp cũng như một số thiết bị hỗ trợ việc học.

- Vậy quỹ cho nhóm mua dụng cụ sơ cứu là do có tổ chức tài trợ hay các thành viên trong nhóm tự góp lại?

Mỗi anh em có hoàn cảnh khác nhau và đều vất vả với “cơm áo gạo tiền”, nhưng vì tâm hồn thiện nguyện mà chúng tôi thì chưa có tổ chức nào bảo trợ nên mỗi thành viên đều sẵn sàng chi ra từ 50-70 ngàn đồng để mua băng thun và các dụng cụ khác nữa.

Đó có thể là một số tiền không lớn lắm với nhiều người nhưng nếu như cộng dồn lại thì cũng thấy nhiều đó. Ví dụ như chi phí cho 1 ca cầm máu đơn giản nhất cũng mất đi 1 cuộn băng thun 15 nghìn đồng rồi. Nhưng không sao đó cũng là việc nên làm (cười).

Đội cứu nạn giao thông tình nguyện5

Chiếc túi sơ cứu các thành viên luôn mang theo khi đi trên đường. Ảnh: NVCC

- Anh có thể chia sẻ rõ hơn về chiếc túi sơ cứu nhỏ đó không?

Đó là một chiếc túi nhỏ có in biểu tượng chữ thập đỏ được bán ở các cửa hàng dụng cụ y tế. Với trưởng nhóm 1 vùng thì bên trong túi gồm có: kéo, phanh kẹp, bông, nước muối đóng chai, gạc vuông, băng thun, băng dính vải, bộ sơ cứu lưu động loại nhỏ, găng tay y tế, hộp đựng, gel lạnh để xử lý vùng bầm dập, làm tê vùng xương gãy chìm, dầu gió, ô che mưa nắng để phục vụ cứu nạn ngoài đường. Trông nhỏ xinh vậy thôi nhưng chiếc túi nặng 7 kg.

Còn với các bạn thành viên, chiếc túi sẽ có 5 băng thun, 1 chai nước muối, băng vải, gạc vuông, găng tay y tế, dầu gió… Tất cả đựng vừa vặn trong 1 túi nhỏ hơn khoảng 1,5kg.

Đội cứu nạn giao thông tình nguyện

Một buổi đào tào kỹ năng sơ cứu cho các thành viên trong đội. Ảnh: NVCC

- Trong quá trình sơ cứu cứu người, tình huống nào khiến anh nhớ nhất?

Có lần tôi đang giúp một cô gái trẻ bị bỏng bô xe máy do va chạm với người khác. Trong lúc đang tưới nước làm giảm nhiệt vết thương cho cô ấy thì bất chợt có người thanh niên hùng hổ lao vào đạp tôi một cái ngã lăn ra đất rồi gằn giọng hỏi: “Mày là thằng nào?”.

Tôi không trả lời anh ta, mà chỉ tay vào biểu tưởng chữ thập đỏ trên tay áo và tiếp tục sơ cứu cho cô gái đó. Hóa ra, đó là bạn trai cô ấy. Sau đó, anh ấy cũng rất hối hận và tỏ ý xin lỗi tôi.

Hay một câu chuyện khác, lần ấy, có hai vợ chồng đang cầm dao và gậy đánh nhau giữa đường, không ai dám can ngăn. Đúng lúc đó tôi đi qua, dừng xe lại và đứng riêng hẳn đám đông cho hai người kia nhìn thấy, anh chồng quát: “Cút, mày đứng đấy nhìn cái gì?”. Tôi nhẹ nhàng trả lời: “Cứ tiếp đi ạ, em không can đâu. Em là cứu thương, lát nữa ai bị thương nặng hơn em sẽ cứu người đó trước nên anh chị cứ yên tâm”.

Khoảng 1 phút sau họ vẫn thấy tôi đứng ở đó, anh chồng bỏ gậy xuống ra nói với tôi “anh hiểu rồi chú, cám ơn chú”. Tôi cười với anh và nói “vậy em đi được rồi”.

Đội cứu nạn giao thông tình nguyện6

Đội sơ cứu giúp người bị nạn trong đêm. Ảnh: NVCC

Thời gian qua, có rất nhiều câu hỏi gửi đến cho tôi ví dụ như: “Bạn tổ chức ra nhóm này kiếm được nhiều tiền không?” hay ”Bạn là bác sĩ à?”, “Bạn có được Grab trả lương để làm việc này hay không?”… Với những câu hỏi đó, tôi chỉ có thể trả lời rằng: “Tôi lập ra đội cứu hộ để làm việc theo hướng Thiện Nguyện, tất cả vì chữ Tâm.

Tôi và các thành viên trong đội không phải là bác sĩ nhưng đã được đào tạo qua lớp sơ cấp cứu để giúp đỡ người bị nạn kịp thời nhất. Nếu có thể các bạn hãy giúp tôi báo vị trí tai nạn và cùng ở lại giúp đỡ nạn nhân cùng với chúng tôi.

“Chẳng ai muốn mình bị bỏ rơi khi mình gặp nạn chính vì thế tôi sẽ không bỏ rơi ai cả”, anh Việt cười chia sẻ. 

H.L
Theo Đời sống Plus/GĐVN