Thứ tư, 24/04/2024 | 08:51
RSS

Doanh nghiệp địa ốc thay đổi chiến lược để thích nghi với xu hướng mới

Thứ hai, 25/03/2024, 08:37 (GMT+7)

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp áp lực từ các vụ án, chính sách thay đổi, niềm tin của khách hàng sụt giảm. Để thích nghi, một số đơn vị đã điều chỉnh chiến lược, ưu tiên việc sử dụng dữ liệu tìm kiếm khách hàng, quyết định giao dịch.

Doanh nghiệp điều chỉnh để thích nghi
Thị trường bất động sản vẫn chưa thể phục hồi sau thời gian ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, những biến động trong chính sách, nguồn vồn. Đánh giá về thị trường, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc PropertyGuru Việt Nam cho biết, mỗi giai đoạn đều phải đối mặt với những yếu tố khác nhau nhưng khó khăn ở chu kỳ này khác biệt so với các giai đoạn trước do bị ảnh hưởng kép.

Thứ nhất, các doanh nghiệp bất động sản đã phải đối mặt với những thách thức vô cùng khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Thứ hai, sau khi thị trường bắt đầu phục hồi, khi mọi người đã dồn sức chuẩn bị cho chu kỳ mới, thị trường lại giảm sút mạnh, đẩy các doanh nghiệp vào tình thế khó khăn.


Thị trường bất động sản vẫn chưa thể phục hồi sau thời gian ảnh hưởng dịch bệnh. Ảnh: Gia Linh

Nhiều doanh nghiệp không có phương án dự phòng vì trước đó, trong giai đoạn thị trường "sốt nóng", họ đã không tính đến rủi ro. Trong đại dịch, khi được hỏi về kế hoạch ứng phó, 70% doanh nghiệp bất động sản đã trả lời rằng họ "đang chờ" đại dịch kết thúc.

Tuy nhiên, sau đại dịch, một số lượng đáng kể các doanh nghiệp "chờ" đã phá sản. Chỉ có những doanh nghiệp có chiến lược bán hàng mới và tiếp cận được với người mua mới có thể "sống sót". Các doanh nghiệp chỉ đơn thuần "ngồi chờ" đa phần gặp khó khăn. Đây chính là "cú đấm" đầu tiên của thị trường đối với doanh nghiệp.

Ngay sau đại dịch, những doanh nghiệp còn tồn tại được hưởng lợi khi thị trường bất động sản bùng nổ mạnh mẽ từ năm 2021 đến đầu năm 2022. Tuy nhiên, trong thời gian đó, nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản cũng tham gia đầu tư, khiến họ gặp khó khăn khi thị trường suy thoái, vì họ không có phương án B để tạo dòng tiền.

Yếu tố khác là sự vướng mắc về tính pháp lý khiến các dự án bất động sản bị trì hoãn, làm giảm nguồn cung và mất niềm tin trên thị trường. Vốn bị "chôn" vào các dự án không thành công, các doanh nghiệp không có nguồn thu, nhưng vẫn phải bỏ ra chi phí lớn để duy trì hoạt động, khiến sức khỏe tài chính bị suy giảm nặng nề.

Thứ ba, khó khăn trong việc tiếp cận vốn, bao gồm phát hành trái phiếu, tín dụng và vốn từ khách hàng...

Trái phiếu doanh nghiệp là một kênh quan trọng để huy động vốn triển khai các dự án dài hạn. Nhưng trong tình hình phải trả nợ ngắn hạn, các doanh nghiệp gặp áp lực từ các vụ án, chính sách thay đổi, niềm tin của khách hàng đối với trái phiếu cũng giảm sút, dẫn đến việc mất nguồn vốn.

Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô vẫn còn những yếu tố không chắc chắn và niềm tin của người mua chưa trở lại, khiến các doanh nghiệp bất động sản đối mặt với những thách thức lớn. Nhiều đơn vị đã không có đủ tiền để trả lương, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động hoặc chuyển sang ngành nghề khác để tồn tại.

Theo vị chuyên gia, người mua nhà ngày càng khó tính hơn. Để thích nghi, không ít doanh nghiệp đang phải nghĩ về cách tồn tại trong thời điểm hiện tại, chứ không phải nghĩ về tương lai. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã chuẩn bị cho giai đoạn sau khủng hoảng. Họ nhìn nhận rõ chu kỳ và xu hướng của thị trường trong tương lai, trong đó có việc sử dụng dữ liệu để định hình, tìm kiếm khách hàng và quyết định giao dịch.


Doanh nghiệp địa ốc thay đổi chiến lược kinh doanh. Ảnh: Gia Linh

Trước đây, việc ra quyết định mua bán thường dựa trên cảm tính và thông tin mà họ nhận được. Nhưng gần đây, sự biến động của các yếu tố kinh tế vĩ mô, chính sách và các vụ án kinh tế đã làm thay đổi thị trường bất động sản, khiến các doanh nghiệp và người mua quan tâm đến dữ liệu.

Cũng theo ông Quốc Anh, người mua cũng quan tâm đến tính pháp lý của dự án, tiến độ xây dựng và bàn giao có đúng cam kết hay không. Chỉ khi chủ đầu tư đáp ứng được mọi yêu cầu thì họ mới quyết định mua. Điều này cũng được thể hiện trong quy định mới của Luật Kinh doanh Bất động sản, khi bắt đầu từ năm 2025, chủ đầu tư phải đảm bảo nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và các nội dung liên quan đến đặt cọc sẽ được chặt chẽ hơn, đồng thời đảm bảo hoàn thành tiến độ để mở bán hàng.

Một xu hướng khác là sự ảnh hưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử đến thị trường bất động sản, đặc biệt là với nhà phố - một phân khúc được xem là "gà đẻ trứng vàng" trong giai đoạn trước đây.

Trong khi đó, lãnh đạo một công ty bất động sản cho rằng doanh nghiệp bất động sản cần điều chỉnh chiến lược linh hoạt trong bối cảnh hiện nay để tồn tại. Trong đó, vấn đề củng cố pháp lý dự án được xem là điều kiện tiên quyết để khôi phục niềm tin của người mua nhà. Ngoài ra, doanh nghiệp cần linh hoạt, đa dạng trong vấn đề nguồn vốn, không chỉ phụ thuộc nguồn vốn vay ngân hàng.

"Đặc biệt, bản thân doanh nghiệp nên định hình lại chiến lược phát triển, tập trung vào dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực cùng các chính sách thanh toán linh hoạt giúp thu hút được khách hàng. Phải bán được hàng, thu được tiền thì doanh nghiệp mới có tài chính nuôi dưỡng bộ máy, tiếp tục phát triển các dự án tương lai", vị này cho hay.

Gia Linh
Theo Báo Dân Việt