Thứ sáu, 19/04/2024 | 11:04
RSS

Doanh nghiệp bỏ trốn, lao động trắng tay

Thứ sáu, 17/05/2019, 07:36 (GMT+7)

Không chỉ mất việc, bị nợ lương, khi doanh nghiệp (DN) ôm tiền bỏ trốn, nhiều lao động còn bị mất quyền lợi về bảo hiểm xã hội do chủ trốn đóng. Tình cảnh người lao động trong các DN FDI có chủ bỏ trốn, hoặc phá sản càng bi đát hơn.

Địa phương phải... “đổ vỏ”

Cuối năm 2018, hàng trăm công nhân tại Công ty TNHH MTV TBO Vina (100% vốn Hàn Quốc, Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, Đà Nẵng) sau khi được nghỉ việc một tuần do hết đơn hàng, đến ngày quay lại thì công ty cửa đóng then cài. Lúc này, các công nhân mới hay tin chủ DN đã rời khỏi Việt Nam để lại khoản nợ BHXH, BHYT khoảng 12 tỷ đồng và nợ lương khoảng 3,7 tỷ đồng.

Liên đoàn lao động Đà Nẵng tổ chức cuộc họp liên ngành mới có thông tin, người điều hành công ty (quốc tịch Hàn Quốc) về nước để “chữa bệnh”. Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Đà Nẵng cho biết, thành phố đã phải ứng ngân sách gần 500 triệu đồng để hỗ trợ đóng BHXH cho hơn 90 lao động nữ để chị em được hưởng thai sản và đóng cho hơn 400 lao động khác để được hưởng BH thất nghiệp.

Doanh nghiệp bỏ trốn, lao động trắng tayNhiều doanh nghiệp FDI bỏ trốn để lại khoản nợ hàng chục tỷ đồng tiền lương và BHXH. Ảnh: internet

Tương tự là vụ việc xảy ra tại Công ty Sang Hun chuyên sản xuất hàng may mặc (địa chỉ tại KCN Đồng Xoài I, tỉnh Bình Phước), do ông Lee Hong Sang - quốc tịch Hàn Quốc làm chủ. Đây là DN mà BHXH đã cảnh báo rất nhiều lần vì tình trạng nợ BHXH, BHYT lặp đi lặp lại. Cụ thể, từ khi đi vào hoạt động (tháng 3.2015) đến lúc chủ bỏ trốn, tại đây đã xảy ra 14 vụ đình công, ngừng việc để phản đối tình trạng nợ lương, nợ BHXH, BHYT kéo dài. Đa số công nhân bị Công ty Sang Hun nợ tiền lương gối đầu từ 3 tháng trở lên. Thậm chí, có một số người bị nợ lương lên đến hơn 50 triệu đồng. Sau đó, Công đoàn các KCN tỉnh Bình Phước buộc phải đứng lên khởi kiện DN này để đòi tiền lương cho công nhân. Sau 3 lần khởi kiện và tổ chức hòa giải, Công đoàn đã giúp công nhân đòi được gần 5 tỷ đồng, trong đó có trên 1,8 tỷ đồng tiền lương và hơn 3 tỷ đồng BHXH, BHYT…

Trực tiếp chứng kiến cuộc sống của người lao động trong những DN trên mới thấy hệ lụy mà các DN gây ra rất lớn. Đơn cử như trường hợp chị Nguyễn Thị Hà (quê Nghê An) có thâm niên làm việc hơn 5 năm tại Công ty Sang Hun.

Trò chuyện với PV, chị Hà buồn bã kể: “Nhiều lúc chúng tôi xác định quyền lợi về lương, BHXH, BHYT coi như mất. Ròng rã mấy tháng trời chúng tôi phải giật gấu vá vai lo cho bữa ăn hàng ngày. Công ty cũ thì bỏ trốn, việc mới thì chưa có. Thậm chí, có những em mới chân ướt, chân ráo từ các tỉnh đến phải vay mượn ăn mỳ gói qua ngày…”.

Khó xử lý

Không khó nhận ra những biểu hiện lạ ở DN FDI có chủ bỏ trốn, đó là liên tục chậm lương, nợ BHXH kéo dài, sau đó là âm thầm tẩu tán tài sản và cắt đứt liên lạc với người lao động. Những biểu hiện lạ này được người lao động và Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp phản ánh, thậm chí khuyến cáo. Thế nhưng, sự phản ứng chậm chạp của các cơ quan chức năng đã khiến người lao động gánh chịu hậu quả. 

Bộ LĐTBXH đang phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện quy trình khởi kiện ra tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; đồng thời chỉ đạo cơ quan BHXH phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện khởi tố một số DN cố tình trốn đóng BHXH theo quy định của BLHS 2015 nhằm răn đe đối với các DN khác”.
Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung

Ông Nguyễn Tất Năm - Trưởng Phòng Lao động tiền lương và BHXH (Sở LĐTBXH TP.HCM), cho biết sở dĩ tình trạng trên xảy ra là do các biện pháp chế tài, xử phạt vi phạm hiện hành chưa đủ sức răn đe dẫn đến nhờn luật. Theo ông Năm, Bộ LĐTBXH cần sớm tham mưu, trình Chính phủ ban hành các biện pháp chế tài, cưỡng chế cụ thể trong trường hợp DN không chấp hành quyết định, kết luận thanh tra (lương, BHXH) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Bên cạnh đó, cần xem xét bổ sung quy định DN trước khi thành lập phải có phương án sử dụng lao động và có tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ với người lao động khi mất khả năng thanh toán hoặc bỏ trốn.

Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cho biết hiện có hơn 100 DN trong các KCN làm ăn thua lỗ. Tổng số nợ BHXH đến tháng 9.2018 là hơn 550 tỷ đồng, trong đó riêng các DN FDI nợ trên 243 tỷ đồng (chiếm gần 50% số nợ).

Ông Lê Đình Quảng – Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về việc DN bỏ trốn phải xử lý thế nào, “biến mất” bao nhiêu lâu thì gọi là bỏ trốn, xử lý khối tài sản còn lại ra sao? Trong khi đó, tài sản DN nếu không được bảo quản sẽ xuống cấp, đến khi xử lý xong và thanh lý thì cũng không còn giá trị, do vậy có thắng kiện thì người lao động cũng thiệt thòi. Lãnh đạo các khu công nghiệp cho biết, người lao động được tuyên thắng kiện nhưng chẳng nhận được gì vì còn vướng khâu thi hành án.

Thùy Anh
Dân Việt