Thứ bảy, 23/11/2024 | 03:51
RSS

TP.HCM: Doanh nghiệp sau cổ phần hoá kêu cứu vì thủ tục ‘sống chết mặc bay’

Thứ sáu, 25/01/2019, 16:42 (GMT+7)

Dù Văn phòng Chính phủ chuyển đơn yêu cầu xử lý, Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn, nhưng các yêu cầu giải quyết quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp đang bị những người có trách nhiệm tại TP.HCM phớt lờ…

TP.HCM: Doanh nghiệp sau cổ phần hoá kêu cứu vì thủ tục ‘sống chết mặc bay’
Ảnh minh họa

Trái đắng cổ phần hoá

Được biết, thực hiện lời kêu gọi đầu tư vào các doanh nghiệp Nhà nước tại TP.HCM, nhiều nhà đầu tư đã rất tâm huyết bỏ công sức và tiền bạc vào quá trình cổ phần hoá (CPH) các doanh nghiệp tại đây. Tuy nhiên, sau nhiêu năm chuyển đổi thành doanh nghiệp cổ phần, không ít nhà đầu tư đã phải nếm trái đắng vì gặp vô số rào cản từ chính các đơn vị có trách nhiệm của thành phố. 

Đặc biệt, việc chậm chuyển thể phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã gây ra rất nhiều hệ luỵ, làm cho hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hoá bị ngưng trệ, tình hình tài chính đi xuống, việc kêu gọi tăng vốn cũng không thể tiến hành vì kiểu CPH ‘nửa vời’.

Được biết, nhiều doanh nghiệp sau khi mua cổ phần, nhà đầu tư chiến lược hoàn tất việc thanh toán và được Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần thì hàng loạt thủ tục pháp lý cần được giải quyết lại không được cơ quan chức trách tại đây thụ lý giải quyết suốt thời gian dài. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp có quỹ đất, công trình xây dựng, thì lộ trình “dứt áo’ khỏi phần vốn Nhà nước lại càng khó khăn gấp bội. 

Theo đại diện doanh nghiệp, một trong những quy định bắt buộc là khi CPH công ty nhà nước thì UBND TP.HCM đều giao Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến thẩm định giá trị đánh giá lại các khoản chi phí dở dang, thành phẩm, hàng hóa tồn kho trước khi công ty chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Thế nhưng trên thực tế công việc này là không được thực hiện một cách triệt để, kéo dài, gây tổn thất nghiêm trong cho hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư chiến lược. “Sau khi thanh toán và được Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần thì đến nay đã gần 3 năm rồi Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa có ý kiến về việc thẩm định giá trị đánh giá lại các khoản chi phí dở dang, thành phẩm, hàng hóa tồn kho để Công ty điều chỉnh, quyết toán chuyển thể”, đại diện một doanh nghiệp cho biết. 

Dốc tâm sức và tiền của để thành các nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp Nhà nước tại TP.HCM nhưng lại “mắc kẹt” với vô số thủ tục, nhiều nhà đầu tư đã phản ứng và yêu cầu lãnh đạo thành phố này phải đối thoại. 

Ngày 26/11/2018, Sở Tài chính TP.HCM gửi giấy mời lãnh đạo 20 doanh nghiệp đến “trao đổi, báo cáo xin hướng dẫn của Bộ Tài chính về các khó khăn vướng mắc khi thực hiện quyết toán phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần”.

Sau cuộc họp này, nhiều doanh nghiệp mong cho tiếng nói của mình được lắng nghe nhưng kết quả lại không như mong muốn. Sau khi trình bày các vướng mắc và kiến nghị phương hướng tháo gỡ với hi vọng thủ tục quyết toán phần vốn Nhà nước sẽ được liên ngành tại TP.HCM như Sở Tài chính, Tài nguyên & Môi trường hướng dẫn thực hiện, tuy nhiên, sau cuộc họp này, nhiều doanh nghiệp dù đã ‘mang danh’ là công ty cổ phần hàng năm trời nhưng vẫn không được các đơn vị này hướng dẫn chuyển thể.

Khi các thủ tục liên quan không được giải quyết, việc chuyển thể quyết toán bế tắc vì sự chậm trễ của các sở ngành nói trên buộc nhà đầu tư tiếp tục yêu cầu đối thoại, thậm chí làm đơn cầu cứu để tìm đường hướng xử lý rõ ràng nhưng các kiến nghị của họ đã rơi vào im lặng, không được đáp ứng. 

Cực chẳng đã, nhà đầu tư đã phải tự mình gửi văn bản đến Bộ Tài chính xin hướng dẫn và khi có văn bản hướng dẫn từ Bộ Tài chính thì các sở ngành tại TP.HCM vẫn ‘bình chân như vại’, không mời doanh nghiệp đến họp, không tìm cách tháo gỡ và không có hướng dẫn cụ thể nào. 

Với cách làm ‘sống chết mặc bay’ này, buộc lòng nhà đầu tư làm đơn cầu cứu Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ sau đó cũng đã yêu cầu TP.HCM xem xét xử lý nhưng đến nay lãnh đạo tại đây vẫn không chấp hành xem xét nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp.

Mất mối làm ăn

Theo đại diện các nhà đầu tư, từ khi chính thức được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần đến nay đã nhiều năm qua nhưng việc quyết toán chuyển thể phần vốn nhà nước tại Công ty vẫn chưa thực hiện được.

Việc chậm trễ quyết toán phần vốn Nhà nước này đã gây khó khăn trở ngại rất lớn cho quá trình hoạt động kinh doanh của Công ty vì theo mô hình hoạt động Công ty cổ phần vẫn còn lại một ít phần vốn Nhà nước nên không thể chủ động trong việc định hướng chiến lược kinh doanh triển khai dự án.

Điều này dẫn đến mất nhiều cơ hội hợp tác làm ăn với các đối tác liên doanh liên kết và đã làm Công ty gánh chịu nhiều thiệt hại trong việc tạo doanh thu, tạo việc làm cho tập thể người lao động đang làm việc tại Công ty, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các cổ đông đã bỏ ra phần vốn hàng nghìn tỷ đồng tham gia cổ phần hóa tại công  ty theo chủ trương kêu gọi đầu tư của Thành phố.

Được biết, theo quy định thì sau 30 ngày cổ phần hoá, các thủ tục phải được hoàn tất. Nhưng hiện nay có doanh nghiệp đã CPH 36 tháng nhưng thủ tục chuyển thể vẫn không được thực hiện. Trong khi đó, một doanh nghiệp cho hay đơn thư gửi đến Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm (trực tiếp chỉ đạo chương trình đổi mới và sắp xếp DN nhà nước) và Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vẫn mong có lần đối thoại và hướng dẫn xử lý thì vẫn không được các vị này hướng dẫn và tìm cách tháo gỡ. “Nếu lãnh đạo mà không làm vì quyền lợi của người dân, của doanh nghiệp thì nên xin nghỉ hưu sớm”, phía doanh nghiệp bức xúc bày tỏ. 

Cán bộ không làm được việc thì nên nghỉ
Tháng 8/2018, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và tiếp tục triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao PCI của TP năm 2018 và giai đoạn tiếp theo.

Theo đó, thành phố này đặt mục tiêu tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới Trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp như khởi sự kinh doanh, giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản doanh nghiệp. TP.HCM cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành việc đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh;

Nhằm đạt các mục tiêu này, TP.HCM đề ra nhiều giải pháp như cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công, nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch, y tế... Đặc biệt, TP.HCM yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, quận, huyện thắt chặt kỷ cương, tăng cường liêm chính, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công vụ; phát hiện và thay thế cán bộ, công chức chần chừ trong cải cách thủ tục hành chính...

Cách đây không lâu, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định cán bộ không làm được việc thì nên nghỉ. Ông Phong cho rằng lãnh đạo UBND thành phố cũng nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính. 

Nhóm PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN