Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:05
RSS

Dinh dưỡng cho người đái tháo đường, sai lầm là bệnh biến chứng nguy hiểm

Thứ tư, 17/08/2022, 14:01 (GMT+7)

Để giảm nguy cơ biến chứng của bệnh đái tháo đường ngoài tuân thủ dùng thuốc thì vấn đề đảm bảo chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng.

Theo điều dưỡng Mai Thị Xuân Mỹ khoa khám bệnh cán bộ cao cấp (Bệnh viện Quân đội 108), đái tháo đường có thể gây ra các biến chứng nặng nề cho tim mạch và thần kinh.

Cụ thể như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, tắc mạch chi hay biến chứng trên mắt như bệnh võng mạc tiểu đường, phù hoàng điểm có thể gây mù lòa; trên thận như suy giảm chức năng thận; rối loạn chức năng miễn dịch thường dễ bị nhiễm khuẩn và nhiễm nấm.

Với những biến chứng nguy hiểm, đái tháo đường đang là vấn đề thời sự cấp bách của sức khỏe cộng đồng.

Đái tháo đường là bệnh mãn tính, cần phải tuân thủ uống thuốc và duy trì chế độ ăn hợp lý. Ảnh minh họa Pixabay

Người mắc đái tháo đường cần tuân thủ chế độ ăn hợp lý

Để góp phần can thiệp vào các yếu tố nguy cơ nhằm hạn chế các biến chứng của căn bệnh này, ngoài việc tuân thủ điều trị bằng thuốc thì chế độ ăn đóng vai trò rất quan trọng trong kiểm soát bệnh tiểu đường.

Một chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, đủ về số lượng và chất lượng có thể cân bằng đường huyết, giúp người bệnh bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường là hạn chế tối đa glucid (chất đường bột), điều này có tác dụng tránh tăng đường huyết, hạn chế các axit béo bão hòa để tránh rối loạn chuyển hóa.

Đối với những người tiểu đường có tổng mức năng lượng ở nhóm lao động nhẹ và vừa thì có thể từ 30-35kcal/kg/ngày, nhóm lao động nặng từ 35-40 kcal/kg/ngày, nhóm những người béo phì nên hạn chế từ 24-26kcal/kg/người.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ giữa các thành phần sinh năng lượng trong bữa ăn hàng ngày của người mắc bệnh đái tháo đường được xác định cụ thể như sau:

- Protein: Lượng protein nên đạt 1-1,2 g/kg/ngày đối với người lớn, tức tỷ lệ này nên đạt tương đương 15- 20% năng lượng khẩu phần.

- Lipid: Tỷ lệ chất béo nên là 25% tổng số năng lượng khẩu phần, không nên vượt quá 30%. Hạn chế các axit béo bão hòa, điều này giúp ổn định đường huyết, ngăn ngừa xơ vữa động mạch.

- Glucid: Tỷ lệ năng lượng do glucid cung cấp nên đạt từ 50-60% tổng số năng lượng khẩu phần của người bệnh tiểu đường.

Vậy người bị bệnh đái tháo đường nên ăn gì?

Điều dưỡng Mỹ cho biết, người mắc bệnh đái tháo đường cần biết mình nên bổ sung thực phẩm như thế nào cho phù hợp, nên ăn gì và không nên ăn gì.

Theo điều đưỡng Mỹ, những thực phẩm người bệnh đái tháo đường nên ăn bao gồm:

Người mắc đái tháo đường không cần kiêng hoàn toàn chất bột. Ảnh minh họa pixabay

Nhóm đường bột

Thực tế, chế độ ăn cho người bệnh đái tháo đường không cần kiêng hoàn toàn chất đường, bột. Trong khẩu phần ăn vẫn có thể chọn ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt giàu vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là chất xơ có lợi cho tiêu hóa cũng như làm đường huyết tăng chậm hơn.

- Nên ăn ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, gạo còn vỏ cám, rau củ... được chế biến bằng cách hấp, luộc, nướng, hạn chế tối đa rán, xào...

- Không nên ăn hoặc hạn chế các loại đồ ăn như: bánh mì, bánh ngọt, các loại mỳ, nui… Các loại củ như khoai sắn cũng cung cấp khá nhiều tinh bột, nếu người bệnh tiểu đường ăn các loại này thì cần giảm hoặc cắt cơm.

Người mắc đái tháo đường không cần kiêng hoàn toàn chất bột. Ảnh minh họa pixabay

Nhóm protein

Người bệnh đái tháo đường nên tăng cường các loại thực phẩm giàu protein. Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA), thịt nạc chứa nhiều đạm và rất ít chất béo bão hòa nên thích hợp để bổ sung vào chế độ dinh dưỡng cho người bị đái tháo đường một lượng hợp lý.

- Người bệnh đái tháo đường nên ăn cá, thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, thịt lọc bỏ mỡ... được chế biến đơn giản như hấp, luộc, áp chảo nhằm loại bớt mỡ.

- Không nên ăn các loại thịt nguội chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói….

Thực phẩm có chất béo không bão hòa được ưu tiên trong chế độ ăn của người bệnh đái tháo đường như: dầu đậu nành, vừng, hạnh nhân, dầu cá, mỡ cá, olive. Ảnh minh họa self

Nhóm chất béo

Thực đơn cho người bệnh đái tháo đường tuýp 2 được cung cấp đủ chất béo tốt sẽ giúp bạn hạn chế những cơn thèm ăn, giảm cân và kiểm soát đường huyết tốt hơn.

- Thực phẩm có chất béo không bão hòa được ưu tiên trong chế độ ăn của người bệnh đái tháo đường như: dầu đậu nành, vừng, hạnh nhân, dầu cá, mỡ cá, olive...

- Hạn chế các loại thức ăn chứa nhiều cholesterol và chất béo như: Trứng, nội tạng động vật, các loại thịt bò, thịt chó…

Nhóm rau và chất xơ

Người bệnh đái tháo đường nên ăn rau nhiều hơn trong thực đơn của mình thông qua các cách chế biến đơn giản như hấp, luộc, salad.

- Nên ăn các loại rau xanh như: Cải bó xôi, cải xoăn, các loại rau, măng tây …

- Không nên hay hạn chế ăn các loại rau củ như: Củ cải đường, đậu hà lan ….

- Trái cây: Không chỉ cung cấp các chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất, chất xơ làm no, trái cây còn có thể dùng để thay cho các món ngọt không tốt cho sức khỏe.

Cần tăng cường ăn trái cây tươi như: Việt quất, cam, dâu tây, mâm xôi, táo, mơ, nho, dưa chuột…

Hạn chế ăn các loại quả chín ngọt như: Sầu riêng, hồng chín, xoài chín... Các loại trái cây sấy khô, đóng hộp.

"Người bệnh đái tháo đường cần áp dụng tốt chế độ dinh dưỡng như ăn đủ chất đạm, chất béo, bột, vitamin và các chất khoáng, bổ sung đủ nước.

Đồng thời duy trì được các hoạt động thể lực bình thường hàng ngày là yếu tố quan trọng để người bệnh kiểm soát được đường huyết, không làm tăng các yếu tố nguy cơ như rối loạn lipid, tăng huyết áp, tổn thương thận…", điều dưỡng Xuân Mỹ nhấn mạnh.

PV
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại