Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:05
RSS

Điểm tựa vững chắc nơi vùng cao biên giới

Thứ hai, 26/12/2022, 06:39 (GMT+7)

Hàng loạt hoạt động nhân văn sâu sắc do Bộ đội Biên phòng triển khai đã trở thành điểm tựa tin cậy và an toàn cho bà con dân tộc khu vực biên giới.

Điểm tựa vững chắc nơi vùng cao biên giới

Hỗ trợ trẻ em nghèo nơi vùng cao biên giới. Hỗ trợ trẻ em nghèo nơi vùng cao biên giới.

Giúp trò nghèo vùng cao biên giới

Triển khai từ năm 2016, Chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh BĐBP thực hiện đã hỗ trợ, đỡ đầu hàng nghìn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới (KVBG) có cơ hội được học hành đầy đủ. Tiếp sau đó, từ năm 2019, BĐBP triển khai thêm mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” nhận trẻ em mồ côi cha mẹ, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nuôi dưỡng tại các đồn Biên phòng (BP).

Với cậu học trò dân tộc Chăm Thông Hoàng Nhân, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, những người lính quân hàm xanh Đồn BP, BĐBP Bình Thuận rất đỗi thân thuộc. Sự gắn kết giữa cậu bé và người lính đến từ những cử chỉ yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của người lính trong suốt những năm qua.

Nhân được sinh ra mà không biết mặt ba. Mẹ em còn trẻ nhưng đau ốm thường xuyên, không có việc làm ổn định. Cuộc sống của 2 mẹ con vô cùng khó khăn vì thế ước mơ được tiếp tục cắp sách tới trường của Nhân cứ dần xa mờ.

Nhân kể: “Các chú Bộ đội ở Đồn BP Tân Thắng đi qua nhà con, hay ghé vào thăm hỏi, động viên, cho con sữa và bánh. Thấy con không tới trường, các chú hỏi, con chỉ im lặng, còn mẹ con thì cho biết không có tiền cho con đi học. Các chú dặn “ngoan nghe lời mẹ, các chú sẽ trở lại”.

Mấy ngày sau, các chú trở lại, mang cho con một chiếc cặp và đồ dùng học tập. Các chú nói với con và mẹ con, đơn vị sẽ nhận đỡ đầu, hộ trợ con mỗi tháng 500.000 đồng theo chương trình “Nâng bước em tới trường”, để con được đi học. Mẹ và con đã khóc, còn các chú thì cười tươi lắm. Lớn lên một chút con mới hiểu, mẹ khóc vì rất vui mừng, vì con được đến trường.

Đến nay đã là năm thứ 5, Đồn Biên phòng Tân Thắng đồng hành cùng Nhân. Cậu bé rất hạnh phúc, tâm sự: “Nếu các chú BĐBP không giúp đỡ con, thì giờ đây có lẽ con vẫn không biết đọc, không biết viết. Con rất biết ơn các bác, các chú BĐBP, dù sinh ra không có ba, nhưng giờ đây con lại có nhiều người ba nuôi Biên phòng, ba nào cũng thương con…”.

Ở khu vực vùng cao, biên giới, còn rất nhiều trẻ em hoàn cảnh như Nhân đang được các đơn vị BĐBP đỡ đầu, chăm sóc nuôi dưỡng. Và trên thực tế, rất nhiều trẻ em đã phải lỡ dở việc học hành bởi gia đình quá khó khăn. Hơn ai hết, những người lính đã và đang dành cả cuộc đời mình cho biên cương thấu hiểu rõ nhất những thiếu thốn, thiệt thòi của trẻ em vùng biên.

Vì lẽ đó, họ luôn dành sự chăm sóc đặc biệt cho những chủ nhân tương lai của biên cương, tạo mọi điều kiện cho các em học tập, rèn luyện. Chương trình “Nâng bước em tới trường” của Bộ Tư lệnh BĐBP được triển khai không ngoài mục đích đó.

Các đơn vị BĐBP trực tiếp phối hợp với địa phương, nhà trường ở khu vực biên giới khảo sát, lựa chọn học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn, con gia đình chính sách, dân tộc thiểu số... để nhận đỡ đầu, hỗ trợ các cháu học tập, rèn luyện. Các đồn biên phòng cũng phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới nước Lào và Campuchia khảo sát, hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới nước bạn.

Điểm tựa vững chắc nơi vùng cao biên giới

Giáo dục kỹ năng sống trong quá trình nhận nuôi trẻ tại đơn vị

“Quả ngọt” từ yêu thương

Với sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các nhà trường, các đồn BP đã trực tiếp hỗ trợ, đỡ đầu gần 3.000 lượt học sinh, với mức 500.000đ/cháu/tháng cho đến khi học hết lớp 12. Ngoài ra, các đồn BP đang nhận nuôi 359 cháu học sinh khác. Nguồn kinh phí hỗ trợ, nuôi dưỡng các cháu do cán bộ, chiến sĩ BP tự nguyện trích một phần lương ủng hộ.

Đến nay, cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng đã ủng hộ gần 95 tỷ đồng để hỗ trợ, nuôi dưỡng các cháu. Bên cạnh đó, các đồn BP cử cán bộ thường xuyên động viên tinh thần vượt khó, trao đổi, hướng dẫn các cháu học tập, rèn luyện.

Đồng thời, triển khai nhiều hoạt động thiết thực giúp các cháu có điều kiện học tập tốt hơn, như: Tặng xe đạp, đồ dùng học tập, quần áo, hỗ trợ lương thực, thực phẩm… Ngoài ra, thông qua các hoạt động Giao lưu hữu nghị Quốc phòng, Giao lưu hữu nghị biên giới, BĐBP đã tặng quà cho các cháu học sinh nghèo khu vực biên giới trị giá 1,1 tỷ đồng.

Dưới sự dìu dắt, chăm sóc của Bộ đội biên phòng, các cháu đã yên tâm tới trường và có những bước tiến bộ vượt bậc về cả học tập, rèn luyện. Tỉ lệ học sinh Khá, Giỏi năm sau đều cao hơn năm trước. Nhiều cháu từ chỗ còn tự ti về hoàn cảnh gia đình nay đã mạnh dạn, hòa nhập và tự tin hơn, giành được những giải thưởng cao trong học tập.

Tiêu biểu như: cháu Tống Hoàng Quân, tỉnh Điện Biên (giải Ba môn Hóa học cấp tỉnh năm 2019, giải Ba cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên toàn quốc năm 2019); Lưu Thị Minh Phương, tỉnh Quảng Ninh (giải Khuyến khích Quốc gia môn Sinh học); cháu Lý Thị Ngọc Lan, tỉnh Lào Cai (giải Nhì Quốc gia tiếng Trung Quốc năm 2020); Nguyễn Lê Hoài Thương, Thành phố Hồ Chí Minh (giải Nhì cấp Thành phố môn Địa lý năm 2021); Phan Thị Hà Nhi, Thành phố Đà Nẵng (giải Nhì cấp thành phố môn Vật Lý năm 2021); Lương Thị Mây Da, tỉnh Kon Tum (giải Khuyến khích cấp tỉnh môn Địa lý năm 2019).

Có nhiều cháu đỗ vào các trường cao đẳng và đại học như: Cháu Hà Trung Kiên, tỉnh Cao Bằng (Học viện Biên phòng); cháu Phạm Trương Khải, tỉnh Quảng Ngãi (Học viện Kỹ thuật Quân sự); cháu Nguyễn Lê Hà Uyên, tỉnh Thanh Hóa (Học viện Cảnh sát nhân dân); cháu Phan Khánh Duy, tỉnh Bạc Liêu (Trường Sỹ quan Công binh); cháu Nguyễn Văn Long Vũ, tỉnh Hà Tĩnh (Học viện An ninh nhân dân); cháu Y Son, tỉnh Kon Tum (tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế năm 2021)…

Kết quả trên đã khẳng định tính hiệu quả của những việc làm thiết thực mà BĐBP đang thực hiện, khẳng định những người lính quân hàm xanh luôn là điểm tựa vững chắc, động viên tinh thần, hỗ trợ trẻ em KVBG vươn lên trong học tập, tạo nguồn nhân lực, tri thức trong tương lai cho KVBG.

Bích Hạnh
Theo Giáo dục & Thời đại