Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:50
RSS

Điểm sáng cuộc chiến Covid-19

Thứ sáu, 26/02/2021, 06:40 (GMT+7)

Thế giới đang trong giai đoạn nước rút của cuộc chiến chống Covid-19 khi nhiều loại vaccine được sản xuất và đưa vào sử dụng tại nhiều nước.

Sự kiện:
Covid-19

Trước sự xuất hiện thêm nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2, các nhà sản xuất cũng không ngừng nghiên cứu cho ra những loại vaccine có khả năng chữa bệnh vượt trội.


Vaccine ngừa Covid-19 được vận chuyển tới nhiều nơi trên thế giới

1. Một thông tin vui từ Hãng Moderna, khi Hãng này cho biết đang thiết kế một phiên bản cập nhật của vaccine ngừa Covid-19 nhằm giúp chống lại biến thể phát hiện lần đầu ở Nam Phi.

Trong thông báo công bố ngày 25/2 (theo giờ Việt Nam), Công ty Moderna cho biết, những liều ban đầu đã được chuyển đến Viện Y tế Quốc gia Mỹ để nghiên cứu lâm sàng.

Vaccine phiên bản mới cập nhật được gọi là mRNA-1273.351, sẽ được đánh giá là mũi tiêm nhắc lại cho những người đã được tiêm chủng, nhưng là vaccine chính cho những người chưa bị nhiễm Covid-19 và chưa được tiêm chủng.

Moderna cho biết, họ cũng sẽ đánh giá về một mũi tiêm nhắc lại “đa trị” (multivalent), tức kết hợp công thức vaccine mới cập nhật với vaccine hiện tại. Ngoài ra, Công ty Moderna đã bắt đầu thử nghiệm liều thứ ba, liều thấp hơn của vaccine Covid-19 hiện tại, để xem nó có thể tăng khả năng miễn dịch chống lại các biến thể SARS-CoV-2 đáng lo ngại hay không.

Cùng với đó, theo kết quả một cuộc nghiên cứu mới được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công bố trên website của mình ngày 25/2, loại vaccine ngừa Covid-19, chỉ cần tiêm một liều, do Hãng Johnson & Johnson bào chế, có hiệu quả cao, giúp ngăn ngừa các trường hợp bệnh nặng hay ngay cả tử vong, và cũng có thể giúp giảm bớt mức độ lây lan virus SARS-CoV-2 ở người đã được tiêm chủng.

Theo nghiên cứu này, vaccine của Johnson & Johnson trung bình đạt hiệu quả khoảng 72% ở Mỹ và 64% ở Nam Phi, nơi một biến thể mới của virus gây bệnh Covid-19 đang hoành hành. Các phân tích này cho thấy người dân Mỹ sẽ sớm có được sự bảo vệ hiệu quả của loại vaccine Covid-19 thứ ba, bên cạnh hai loại của Hãng Pfizer và Moderna.

FDA có thể cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp loại vaccine của Johnson & Johnson vào ngày 27/2 tới, tùy thuộc vào kết quả bỏ phiếu của Ủy ban Cố vấn về vaccine, sau khi họ thảo luận kỹ các tài liệu mới được công bố.

Hơn thế nữa, theo một nghiên cứu thực tế lớn đầu tiên, vaccine của Pfizer/BioNTech có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn SARS-CoV-2. Đây là tín hiệu mang tính bước ngoặt đối với các quốc gia muốn chấm dứt tình trạng phong tỏa do dịch bệnh và mở cửa lại nền kinh tế.

Nghiên cứu ở Israel, một trong những quốc gia có tốc độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhanh nhất thế giới, đã cung cấp nguồn dữ liệu cho thấy, hai liều vaccine của Pfizer giảm 94% các ca nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng ở tất cả các nhóm tuổi và các trường hợp có triệu chứng nghiêm trọng.

Theo dữ liệu công bố trên Tạp chí Y khoa The New England Journal of Medicine, nghiên cứu trên khoảng 1,2 triệu người cũng cho thấy, một liều vaccine duy nhất có hiệu quả 57% trong việc chống lại các triệu chứng mắc bệnh sau 2 tuần. Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Clalit dựa trên các thử nghiệm lâm sàng năm 2020 cho thấy, hai liều vaccine có hiệu quả 95%.

“Chúng tôi đã chứng minh rằng vaccine có hiệu quả đối với các nhóm khác nhau, ở người trẻ và người cao tuổi không mắc bệnh nền và ở nhóm những người có ít bệnh nền” - Giáo sư Ran Balicer, Giám đốc sáng lập của Viện Nghiên cứu Clalit cho biết.

Nghiên cứu cho thấy, vaccine của Pfizer/BioNTech có hiệu quả chống lại biến thể SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở Anh. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu cho biết, họ không thể đưa ra mức độ hiệu quả cụ thể của vaccine đối với biến chủng mới.

2. Trong khi những điểm sáng từ vaccine đang được ghi nhận thì những hệ lụy mà Covid-19 mang lại cho thế giới cũng không dễ để vượt qua. Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 sẽ khiến nhiều nền kinh tế trên thế giới tụt hậu, nới rộng hơn nữa khoảng cách giữa các nước đang phát triển, trong đó trẻ em chịu tác động nhiều nhất do giáo dục bị gián đoạn.

Thông điệp của Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva gửi đến cuộc họp của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu nhất thế giới (G20) cho biết, đến cuối năm 2022, các quốc gia đang phát triển và thị trường đang nổi, không bao gồm Trung Quốc sẽ chứng kiến mức thu nhập bình quân đầu người giảm 22% so với mức trước khủng hoảng, trong khi mức giảm này của các nền kinh tế phát triển là 13%.

Thông điệp trên được đưa ra trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G20 do Italy chủ trì sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 26/2 nhằm thảo luận về sự phục hồi kinh tế và các giải pháp cho những vấn đề phát sinh.

Mặc dù việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine đem lại hy vọng phục hồi kinh tế, nhưng IMF vẫn dự báo riêng G20 sẽ mất 25 triệu việc làm trong năm 2021.

Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần phối hợp mạnh mẽ hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm phòng vaccine phòng Covid-19 tại những nước kém phát triển hơn, trong đó cần bổ sung nguồn quỹ để giúp các nước này mua vaccine và tái phân bổ lượng vaccine từ những nước thừa sang những nước thiếu vaccine. Theo người đứng đầu IMF, tiến triển nhanh hơn trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng y tế có thể giúp tổng GDP toàn cầu tăng thêm 9.000 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2020-2025.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2021 (WEF), nhiều ý kiến còn cho rằng kinh tế thế giới đang gặp khó khăn sâu sắc hơn khi cùng lúc chịu tác động của nhiều yếu tố gộp lại, gồm tác động tàn phá của đại dịch đối với xã hội, cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra và hậu quả của biến đổi khí hậu.

Kinh tế toàn cầu hy vọng sẽ phục hồi song tính khó đoán định lại khá cao do phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch, biện pháp phòng chống và kiểm soát Covid-19 của chính phủ các nước cũng như tiến độ sản xuất, phân phối và tiếp nhận vaccine của người dân.      

HÀ ANH
Theo Đại Đoàn Kết