Đồ vàng mã
Tháng 7 âm lịch còn được gọi là "Tết của cõi âm", vì thế đây cũng được coi là thời điểm "hái ra tiền" của các tiểu thương chuyên kinh doanh vàng mã. Theo tiết lộ của chị Nga - một chủ cửa hàng chuyên kinh doanh vàng mã trên phố Ngõ Gạch (Q.Hoàn Kiếm) cho biết: “Mặc dù tháng cô hồn chỉ kéo dài nửa tháng nhưng lại kiếm lời bằng cả năm kinh doanh. Chỉ riêng tháng 7 âm lịch đã có 3 ngày lễ lớn: cúng cô hồn, lễ Vu Lan và rằm tháng 7”.
Theo quan niệm "dương sao âm vậy" của người Việt nên thời gian gần đây thị trường vàng mã phát triển rất nhộn nhịp với sự đa dạng về kiểu dáng như: siêu xe, biệt thự, iphone, tủ lạnh, ti vi, áo vest, giày âu,…. Bởi thế, giá cả cũng tăng mạnh. Thậm chí có những món hàng có giá hàng triệu đồng nhưng vẫn được nhiều người mua về để "gửi" cho người âm.
Được biết, giá của một ngôi biệt thự giấy, một chiếc siêu xe giấy dao động từ 1 – 3 triệu đồng tùy kích thước. Nếu mua trọn bộ đồ cúng lễ cũng có giá lên tới cả chục triệu đồng. Theo chị Nga, mặc dù giá cả khá đắt đỏ nhưng do những sản phẩm được làm kì công, giống y thật nên người tiêu dùng vẫn móc hầu bao ra mua mà không cần đắn đo.
Quần áo phật tử
Những mặt hàng thời trang khác có nguy cơ ế ẩm, riêng với quần áo phật tử lại là sản phẩm bán chạy nhất trong dịp tháng cô hồn. Ba năm trở lại đây, quần áo phật tử được nhiều người lựa chọn mặc mỗi dịp đi lễ chùa. Riêng trong tháng 7 cô hồn này có tới 3 ngày lễ lớn, nên việc sắm quần áo phật tử để tham dự là không thể thiếu.
Để phục vụ nhu cầu của khách hàng, quần áo phật tử được may sẵn với nhiều chất liệu với kiểu dáng cách tân khác nhau. Giá cả thường dao động ở mức từ 100.000 – 300.000 đồng/bộ nên người mua cũng không phải quá đắn đo về giá cả.
Đặc biệt, với ngày lễ Vu Lan báo hiếu, các bậc phu huynh cũng mua cho con em mình những bộ đồ phật tử để cùng con lên chùa tham dự nghi lễ Vu Lan giúp các con hiểu được văn hóa và nét đẹp truyền thống hiếu nghĩa của người Việt
Đồ ăn chay
Vua Lan báo hiếu là lễ ăn chay lớn nhất trong năm. Thay vì những món mặn, mọi người lựa chọn món chay như một cách để tịnh tâm, cầu mong bình an cho bậc sinh thành. Vì thế, đây cũng được coi là thời điểm "hái ra tiền" của các quán ăn chay hay những siêu thị đồ chay. Theo chia sẻ của chị Thanh - một chủ cửa hàng thực phẩm chay trên đường Lò Đúc (Q.Hai Bà Trưng): “Những người tu tại gia thường ăn chay một tháng ít nhất 2 lần vào mùng 1 và 15 âm lịch.
Đồ ăn chay được mọi người yêu thích trong tháng 7. Ảnh: Dân Việt
Tuy nhiên, tới tháng 7 âm lịch thì không chỉ với những người tu mà những khách hàng bình thường họ cũng tìm đến thực phẩm chay, họ có thể ăn chay cả tháng chứ không riêng gì mùng 1 hay ngày rằm. Chính vì nhu cầu của thượng khách tăng nên đến tháng cô hồn cửa hàng cũng nhập nhiều loại thực phẩm chay mới lạ để phục vụ khách lẻ và đổ buôn cho các quán ăn chay”.
Để phục vụ mùa lễ Vu Lan năm nay, các quán ăn chay cũng chuẩn bị nhiều thực đơn và đưa ra nhiều món ăn mới để thu hút khách. Bác Kỳ - chủ quán ăn chay trên đường Hoàng Cầu (Q.Đống Đa) cho biết: “Đến tháng 7 âm lịch hàng năm là cả tháng gia đình tất bật từ sáng sớm đến tối mịt. Có những khách hàng gần như ngày nào cũng qua quán ăn chay. Nhiều người còn tổ chức liên hoan bằng tiệc chay ở đây, cạn chén bằng nước trà hoặc nước gạo thôi”.
Một mâm cơm chay hay một suất cơm chay có giá thành không hề rẻ, nhiều khi còn đắt đỏ hơn so với những bữa ăn hàng ngày của những gia đình tầm trung. Thế nhưng, bữa cơm chay là một phần trong mùa Vu Lan báo hiếu, là nét đẹp, là phong tục văn hóa của người Việt Nam để cầu mong an bình cho cha mẹ nên không ai tính toán đến tiền bạc.
Một ngày ở làng vàng mã nức tiếng Kinh Bắc. Nguồn: VTC